Kiến tạo vị thế mới cho điện ảnh Thủ đô:Cởi mở cơ chế, đổi mới tư duy

Hà Nội có nhiều tiềm lực để phát triển điện ảnh, với nhiều cảnh đẹp, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, làm nên hồn cốt của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Nhưng có lẽ, Hà Nội cũng cần sự chuyển mình, linh hoạt và thích ứng tốt hơn, đặc biệt là vấn đề cơ chế để thu hút các đoàn làm phim trong và ngoài nước.

Hànôịmới Cuối tuần ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia văn hóa, nhà quản lý và đạo diễn điện ảnh về vấn đề này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội:
Tạo điều kiện hơn nữa để các đoàn làm phim đến với Hà Nội

Không chỉ riêng Hà Nội, chúng ta đều mong muốn các thành phố, các địa điểm du lịch nổi tiếng đều có thể trở thành điểm đến cho các dự án phim lớn trên thế giới, từ đó quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch và tăng niềm tự hào về đất nước. Muốn như vậy thì chúng ta cần hội tụ nhiều yếu tố, một khi đã coi điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta cần đội ngũ nhân lực, tài năng sáng tạo liên quan đến điện ảnh. Chúng ta cần có vốn văn hóa, nguồn lực văn hóa, địa điểm quay, cơ sở hạ tầng đẹp, cần có công nghệ cũng như kỹ năng kinh doanh để có thể thu hút các nhà làm phim trong nước, quốc tế. Nếu xét trên những tiêu chí như vậy thì Hà Nội có rất nhiều điều kiện. Nhiều hình ảnh đẹp của Hà Nội hiện diện trong nhiều bộ phim, cũng là niềm mơ ước của các nhà làm phim.

Tuy vậy, chúng ta cần có những chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện hơn nữa để các đoàn làm phim đến với Hà Nội. Để làm nên một cảnh quay ở Hà Nội, có nhà sản xuất nói rằng cần phải có 5 giấy phép. Đó là một cản trở lớn khiến cho chúng ta không khuyến khích được các nhà làm phim. Hay chúng ta chưa có chính sách thuế có tính ưu đãi để tạo điều kiện cho các nhà làm phim mong muốn đến, mơ ước được đến làm phim, quảng bá cho Hà Nội. Chúng ta cần có sự hợp tác công tư tốt hơn để tạo điều kiện cho các hãng phim trong nước kết hợp với hãng phim ở ngoài nước, các hãng phim nhà nước kết hợp với các hãng phim tư nhân, tạo điều kiện sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng. Chúng ta có trường quay Cổ Loa, có nhiều hãng phim, có nguồn nhân lực dồi dào từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, từ các hãng phim có thể kết nối với nhau... Điều quan trọng là làm thế nào để huy động, khai thác tốt các nguồn lực này, tránh sự lãng phí. Các cơ chế hợp tác công tư hay sự thay đổi trong tư duy quản lý, bằng cách làm quen nhiều hơn với nền kinh tế thị trường, có thêm kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, thêm kỹ năng kinh doanh, sẽ tạo điều kiện giúp các nguồn lực Thủ đô có thể bung tỏa, từ đó Hà Nội có thể trở thành niềm tự hào của Việt Nam.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh:
Mong muốn thay đổi không khí sáng tạo

Tôi mong muốn bầu không khí sáng tạo điện ảnh ở khu vực phía Bắc có sự thay đổi. Thế mạnh của khu vực phía Bắc nói chung, của Hà Nội nói riêng là phim tài liệu, phim hoạt hình, còn phim truyện thì đang còn yếu. Bây giờ, nếu nói đến phim điện ảnh thì các nhà làm phim phía Nam đang giữ ưu thế. Có lẽ do điện ảnh phía Bắc đang thiếu 3 yếu tố: Thiếu nhà đầu tư, thiếu kịch bản hay, thiếu đạo diễn giỏi. Có một số đạo diễn tên tuổi, thậm chí được phong danh hiệu nhưng tư duy làm phim của họ là tư duy của những năm 1990 trở về trước. Và bây giờ, chúng ta không có lực lượng kế cận, bởi hễ có thì các bạn ấy lại chuyển vào Nam. Diễn viên, nhà quay phim của khu vực phía Bắc không kém. Họ cũng đang tham gia rất tích cực vào nhiều dự án điện ảnh và truyền hình ở cả hai miền. Còn chuyện kinh phí là vấn đề của nhiều nền điện ảnh trên thế giới, không chỉ riêng chúng ta. Tôi cũng mong muốn hội đồng duyệt phim cởi mở hơn nữa, chỉ cần giữ hai nguyên tắc: Không được đi ngược với đường lối, chủ trương của Đảng, không vi phạm những quy định về chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia. Còn tất cả nội dung, vấn đề khác cần phải hội nhập quốc tế.

Hiện nay, chúng ta có 4 liên hoan phim quốc tế, nếu tính cả Liên hoan phim tài liệu. So với số lượng phim điện ảnh sản xuất trong năm khoảng 40 phim truyện thì có lẽ chúng ta nên duy trì khoảng 4 liên hoan phim quốc tế là phù hợp. Mô hình này có thể giữ trong 10 năm tới rồi mới tính đến việc có thêm liên hoan phim quốc tế nữa hay không. Đây cũng là điều kiện để các nhà làm phim trong nước học tập, cọ xát và nâng cao tay nghề.

Về Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, nét riêng biệt của liên hoan phim này chính là việc chúng ta quy định các phim tham dự chưa được giải thưởng ở các kỳ liên hoan phim khác nên tạo được sự mới mẻ, bất ngờ với công chúng. Ngoài ra, nhà tổ chức sự kiện này cũng rất chú trọng tới việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, Thủ đô Hà Nội, góp phần thu hút du khách... Mỗi dịp tổ chức liên hoan phim, số lượng khách du lịch đến với Hà Nội đều tăng. Phong cảnh thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của chúng ta đều có thể trở thành bối cảnh làm phim. Có thể nói, không chỉ riêng Hà Nội, đất nước ta có nhiều bối cảnh tự nhiên, có quy mô lớn. Thông qua các triển lãm trong khuôn khổ liên hoan phim, chúng tôi mong muốn giới thiệu di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, đồng thời giới thiệu bối cảnh cho các đoàn làm phim trong nước và quốc tế.

Đạo diễn Charlie Nguyễn:
Đặt liên hoan phim trong chiều sâu văn hóa của Thủ đô

Một liên hoan phim quốc tế đã được tổ chức tới lần thứ 7 tức là đã khẳng định thương hiệu một cách rõ ràng. Tôi có nghe một thông tin là trên 90% liên hoan phim trên thế giới chỉ tổ chức được một lần. Tất nhiên, nếu so với những liên hoan phim lớn trên thế giới thì quy mô của chúng ta còn nhỏ. Nhưng sự so sánh đó chưa hẳn đã đúng bởi chúng ta cũng cần một quá trình phát triển. Còn nếu nói thiếu thì chúng ta còn thiếu rất nhiều so với những liên hoan phim lớn. Tác phẩm của họ mới hơn, có quy mô lớn hơn và những đạo diễn lớn trên thế giới đều có mặt. Tác phẩm điện ảnh của họ chưa từng xuất hiện, chưa từng công chiếu ở bất cứ đâu, chưa ai xem cả. Điều đó tạo ra cho họ vị thế độc tôn. Tôi nghĩ rằng đây là yếu tố mà chúng ta cần chuẩn bị từng bước để đạt được điều đó. Vị thế của liên hoan phim nằm ở chất lượng, tầm vóc của những bộ phim tham gia.

Hà Nội là Thủ đô với chiều sâu văn hóa, có nhiều cảnh đẹp, cơ sở vật chất cũng như tiềm lực con người phong phú. Khi nhà làm phim quốc tế tới đây, họ sẽ cảm nhận được chiều sâu văn hóa truyền thống của Việt Nam. Các nhà làm phim không chỉ đến để xem phim, mà còn để trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực, khí hậu, tìm hiểu đời sống, con người tại thành phố đó. Đặt một liên hoan phim trong chiều sâu văn hóa, nghệ thuật của một thành phố sẽ giúp cho mọi người có nhiều hứng thú. Với Hà Nội, các nhà làm phim đến đây sẽ được trải nghiệm nhiều điều mà ở nơi khác không có.

Thúy Đinh thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kien-tao-vi-the-moi-cho-dien-anh-thu-do-coi-mo-co-che-doi-moi-tu-duy-684808.html