Chung tay bảo vệ 'Hành tinh xanh'

Nằm ở phía bắc Vương quốc Anh, thành phố Glasgow (Scotland) mùa này bắt đầu vào đông, tiết trời mưa rét liên miên và lạnh giá. Những hàng sồi, cây lá phong đã ngả sang sắc vàng, sắc đỏ. Thế nhưng Glasgow - thành phố lớn thứ ba của 'Xứ sở Sương mù' đang 'nóng' lên bởi một một sự kiện đặc biệt lớn và thu hút sự quan tâm của cả thế giới: Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26. (Nguồn: TTXVN)

Bất chấp phải tổ chức sự kiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng COP26 thể hiện quyết tâm rất lớn của nước chủ nhà và các nước trên thế giới trong ứng phó biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo một lần nữa khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp, do đó, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó khủng hoảng khí hậu nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris. Nói ngắn gọn, COP26 là cơ hội cuối cùng để khôi phục tự nhiên và bảo vệ tương lai nhân loại.

Trước diễn đàn lớn nhất về môi trường thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển và đang phát triển phải cùng nhau đoàn kết trên nguyên tắc công bằng, công lý, hành động quyết liệt ứng phó biến đổi khí hậu. Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba mươi năm qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thông điệp súc tích Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu đã được hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình hưởng ứng bởi những đề xuất đó đều rất thực tế, “đúng và trúng” chủ đề vì xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, một quốc gia được đánh giá là sẽ phải chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Điều đó càng khẳng định chân lý một vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu chỉ có thể giải quyết bằng sự nỗ lực, chung tay của toàn cầu, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được, dù là cường quốc. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị với lịch trình dày đặc, Thủ tướng đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo, tổ chức hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia, Ngân hàng Thế giới (WB)..., hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, tổ chức này.

Một thành công lớn nữa của chuyến công tác của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Anh và châu Âu. Có thể nói, chưa bao giờ, quan hệ Việt Nam - Anh lại phát triển tốt đẹp như hiện nay, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngay trước thời điểm hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson (Bô-rít Giôn-xơn); nhiều quan chức cấp cao của Anh đã sang làm việc tại Việt Nam. Ngay trong chuyến công tác này, là “chủ nhà” trực tiếp, bà Nicola Sturgeon (Ni-cô-la Xtơ-giơn), Thủ hiến vùng Scotland hết sức bận rộn nhưng cũng hết sức trọng thị, thân tình đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính, thể hiện tình cảm nồng hậu với Việt Nam. Những điều đó cho thấy, Anh đánh giá rất cao và hết sức coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam; mong muốn Việt Nam đóng góp vào thành công hội nghị cũng như tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng đã chủ trì các cuộc đối thoại, diễn đàn doanh nghiệp nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng hấp dẫn của Việt Nam với các doanh nghiệp Anh, châu Âu. Chúng tôi nhận thấy, các lãnh đạo tập đoàn hàng đầu của Anh như Rolls-Royce, Standard Chartered... rất tin tưởng và đánh giá rất cao môi trường, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Anh là quốc gia lớn ở châu Âu, có tiềm năng, thế mạnh trên nhiều lĩnh vực công nghệ cao, hàng không, dược phẩm, năng lượng sạch, ngân hàng - tài chính... đều là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác. Vì vậy, hai nước có thể bổ sung cho nhau những tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế.

Có dịp dự các cuộc tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Anh và châu Âu, chúng tôi được chứng kiến các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới đều bày tỏ đồng tình, tin tưởng và ủng hộ với những chính sách của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế; đánh giá cao các cam kết của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt tâm đắc với thông điệp “công bằng, công lý về biến đổi khí hậu” của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại diễn đàn COP26; đồng thời, cam kết đồng hành, tiếp tục tin tưởng và đầu tư, làm ăn lớn với Việt Nam thời gian tới. Chúng tôi cũng rất ấn tượng về sự nhiệt thành, trọng thị mà ban lãnh đạo Tập đoàn AstraZeneca chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến làm việc. Khi đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot (Pa-xcan Xo-ri-ớt) đã không giấu nổi cảm xúc vui mừng: “Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam đã đem nắng ấm đến cho chúng tôi”. Không biết có phải thêm lý do này không mà cuộc làm việc đã diễn ra tuy ngắn gọn nhưng hiệu quả, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau. AstraZeneca cam kết nỗ lực cung cấp đủ vắc-xin cho Việt Nam; đầu tư phát triển, hỗ trợ ngành dược phẩm Việt Nam, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19...

Một điểm nhấn đáng chú ý là Việt Nam và Anh đã trao đổi số lượng kỷ lục biên bản, thỏa thuận hợp tác thương mại, đầu tư quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực quan trọng như hàng không, ngân hàng, đầu tư tài chính, dược phẩm, nghiên cứu y học, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo... với trị giá nhiều tỷ USD. Những nỗ lực này của hai phía đã góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Anh lên một tầm cao mới, đi vào chiều sâu và thực chất.

Với những kết quả lớn lao đạt được, có thể khẳng định, sự tham dự của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam dưới sự dẫn đầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị COP26, khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu - một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay, chung tay bảo vệ “Hành tinh xanh”; tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên năng động, tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/chung-tay-bao-ve-hanh-tinh-xanh-672280/