Chung tay bảo vệ loài hoang dã ở Việt Nam: Nỗ lực quản lý và bảo tồn

Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử trung bình mỗi năm chiếm khoảng 73%.

Tang vật một vụ buôn bán động vật hoang dã. (Nguồn: TTXVN)

Tang vật một vụ buôn bán động vật hoang dã. (Nguồn: TTXVN)

Nhìn nhận được những thách thức, hạn chế trong quản lý và bảo tồn loài hoang dã, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực dài hạn và liên tục kết hợp với hoạt động thực thi pháp luật và cải thiện sinh kế cho người dân trong bối cảnh đa dạng sinh học đối mặt với xu hướng suy giảm.

Hoàn thiện và thực thi nghiêm pháp luật

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh.

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ đầu năm 2018 quy định các tội danh, mức độ vi phạm bị xử lý hình sự liên quan đến loài hoang dã và tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là tội phạm nghiêm trọng.

Luật xử lý hình sự đối với cá nhân và pháp nhân thương mại, tăng mức phạt tiền tối thiểu là 50 triệu đồng và tối đa là 15 tỷ đồng, tăng mức phạt tù tối thiểu là 6 tháng và tối đa 15 năm; đình chỉ hoạt động, cấm huy động vốn từ 1-3 năm đối với pháp nhân thương mại.

Luật nêu rõ khung hình cụ thể với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép loài hoang dã với khối lượng, số lượng cụ thể như 2kg ngà voi, 0,05kg sừng tê giác.

Mới đây nhất, Chỉ thị số 29 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó quy định việc dừng nhập khẩu động vật hoang dã, xử lý nghiêm đối với mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái phép; kiên quyết loại bỏ các khu vực, chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái phép.

Các hành vi bị kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm gồm săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là lớp thú, chim, bò sát trong tự nhiên.

Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia các hoạt động bị cấm.

Ngày càng có nhiều hiệp định quốc tế về bảo vệ động, thực vật hoang dã đòi hỏi các quốc gia phải cam kết tuân thủ và tuân thủ triệt để. Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và trở thành thành viên của Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994, Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế năm 1989, Công ước chống sa mạc hóa năm 1998.

Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi năm 2012.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã; Tuyên bố London, Kasane về chống buôn bán các loài hoang dã; Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về tăng cường các nỗ lực hợp tác chống nạn buôn bán trái phép và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã.

Các cơ quan chức năng nỗ lực trong công tác đấu tranh, xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm. Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử trung bình mỗi năm chiếm khoảng 73%.

Riêng năm 2018, công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã có kết quả khả quan nhất với 82/98 vụ án được đưa ra xét xử.

Kết quả tức thì của việc bổ sung, sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 thể hiện ở mức hình phạt trung bình áp dụng với đối tượng phạm tội về động vật hoang dã năm 2018 là 5,29 năm tù, 6 tháng đầu năm 2020 là 4,49 năm tù, trong khi mức này năm 2017 chỉ 1,25 năm tù.

Điển hình, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt Phạm Bá Kim 13 năm tù giam do nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán trái phép 145 cá thể tê tê Java, 7kg vảy tê tê Java và 71,4kg da voi.

Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tuyên phạt Trần Thị Tú Anh, Phạm Quyết 12 năm tù giam; Hoàng Thị Hương 10 năm tù giam. Mức phạt cao nhất 660 triệu đồng cho hành vi buôn bán, vận chuyển loài kỳ đà vân nằm trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Xây dựng mô hình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dũng, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được xây dựng và triển khai ở Việt Nam như Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 về bảo tồn voi, Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài rùa nguy cấp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các kế hoạch bảo tồn tê tê hay cầy vằn cũng đang được các tổ chức bảo tồn phối hợp xây dựng và triển khai.

Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bên cạnh đó, chương trình giám sát quần thể loài hoang dã ngoài tự nhiên cũng được triển khai ở địa phương gồm linh trưởng ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); voọc đầu trắng ở Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng); Khu bảo tồn Vân Long (Ninh Bình); voọc mũi hếch ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, Chạm Chu (Tuyên Quang), Khau Ca (Hà Giang); cò thìa ở Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).

Ngoài ra, dự án xây dựng hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế góp phần duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu gồm vượn đen má hung Trung Bộ, lim xanh, đen, gà lôi lam mào trắng, voọc chà vá chân nâu, thỏ vằn và mang Trường Sơn, bò tót, voọc Hà Tĩnh, sao la, chân xám, vượn đen má trắng, cu li nhỏ, trĩ sao.

Việc bảo tồn loài đã được gắn với hoạt động thành lập và quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên.

Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan.

Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, mạng lưới khu bảo tồn sẽ mở rộng thêm với tổng diện tích hơn 3 triệu ha.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) đã đạt 2 kỷ lục là “Khu Bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào.”

Không chỉ có ý nghĩa cho bảo tồn, nghiên cứu khoa học, khu bảo tồn này còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho các cộng đồng dân cư xung quanh, trong đó có nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, điều tiết nước, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Thời gian tới, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn loài hoang dã, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khuyến nghị việc hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu, trong đó tạo sinh kế bền vững và bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; quản lý các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để bảo tồn nguồn gen và phục hồi quần thể các loài nguy cấp…

Thêm vào đó là hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về cứu hộ, tái thả các loài về tự nhiên, giám định, nhận định loài, đầu tư bảo tồn sinh cảnh, giám sát, theo dõi các loài thông qua áp dụng các công cụ tiên tiến.

Một giải pháp khác là xây dựng, mở rộng mối quan hệ đối tác, quy mô, thể chế hóa các chiến dịch thay đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp. Việc tăng cường quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức để huy động sự phối hợp, tham gia tích cực của các thành phần trong xã hội nhằm xây dựng nhận thức và hiểu biết của toàn xã hội về bảo tồn loài hoang dã.

Đặc biệt, các vụ việc vi phạm phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm; nghiên cứu, quảng bá các sản phẩm nhằm thay thế các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, soạn thảo tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường năng lực thực thi các quy định pháp luật về quản lý bảo tồn, kỹ năng điều tra và xử lý tội phạm nghiêm trọng về loài hoang dã; xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành, trao đổi thông tin và vai trò tham gia, phối hợp triển khai các hoạt động bảo tồn và thực thi pháp luật.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong bảo tồn loài cũng cần được tăng cường để huy động các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật và thể chế để thực thi các hiệp ước, cam kết quốc tế và pháp luật quốc gia về bảo tồn các loài hoang dã thông qua các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chung-tay-bao-ve-loai-hoang-da-o-viet-nam-no-luc-quan-ly-va-bao-ton/714201.vnp