Chung tay bảo vệ môi trường biển

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và tác động của con người đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường biển (MTB). Bảo vệ MTB không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ và các ngành chức năng, mà còn là một trong những nhiệm vụ của LLVT. Ở miền Đông Nam Bộ, các đơn vị LLVT, nhất là cán bộ, chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển (CSB) và Bộ đội Biên phòng đang nỗ lực chung tay bảo vệ MTB bằng nhiều việc làm thiết thực.

Buổi sinh hoạt tuyên truyền về giá trị của biển, ý nghĩa và trách nhiệm bảo vệ MTB cho cán bộ, chiến sĩ diễn ra ngay trên tàu của Vùng CSB 3. Nội dung nhấn mạnh ý thức trách nhiệm của mọi thành viên tàu khi làm nhiệm vụ trên biển, không tùy tiện xả rác xuống biển; hạn chế sử dụng túi nylon bao gói thực phẩm; không vứt các loại giẻ bảo quản có dính dầu mỡ xuống biển; phân loại rác tại nguồn để thu gom, mang vào bờ xử lý… Sau phần lý thuyết, các chiến sĩ được hướng dẫn thực hành phân loại rác, thu gom rác thải bỏ vào thùng chứa, sắp xếp đúng vị trí quy định. Đại tá Lê Văn Thu, Chủ nhiệm Chính trị Vùng CSB 3 cho biết: "Thời gian qua, tất cả tàu của vùng trước khi cơ động làm nhiệm vụ đều được phổ biến nội dung bảo vệ MTB và hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn. Chúng tôi coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải nghiêm túc thực hiện để hạn chế ô nhiễm biển, chung sức ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tiêu cực đến nước ta".

 Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Ảnh: CÔNG HOAN

Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Ảnh: CÔNG HOAN

Đây cũng là việc làm thường xuyên được duy trì thành nền nếp ở Vùng 2 Hải quân. Theo thống kê, bình quân mỗi năm, lực lượng làm nhiệm vụ trên biển ở khu vực Nhà giàn DK1 thải ra lượng rác sinh hoạt khoảng hơn 100 tấn, cần thu gom, xử lý đúng quy trình để không ảnh hưởng đến MTB. Do vậy, Đảng ủy, chỉ huy vùng đã chỉ đạo tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý rác thải, cung cấp dụng cụ chứa rác, phân loại rác cho cán bộ, chiến sĩ các Nhà giàn DK1 trước khi thay quân, đổi quân làm nhiệm vụ trên biển; triển khai công tác phối hợp giữa bộ đội nhà giàn với ngư dân và đơn vị sửa chữa, bảo quản, nâng cấp phương tiện biển để cùng có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường; phát động thi đua giữa các nhà giàn và đẩy mạnh trồng rau xanh vừa cải thiện bữa ăn, vừa góp phần bảo vệ MTB. Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân chia sẻ: "Thời gian qua, đơn vị vận dụng đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt, diễn đàn thanh niên, truyền thanh nội bộ, sân khấu hóa…; phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ ngư dân hoặc thông qua bộ đàm, phương tiện liên lạc để vận động ngư dân tuân thủ pháp luật bảo vệ MTB. Nhờ đó, tình trạng xả rác tràn lan trên biển giảm hẳn; đồng thời qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân về môi trường, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trong khu vực cũng có nhiều chuyển biến tích cực".

Ở TP Hồ Chí Minh, nơi có 23km bờ biển thuộc địa bàn huyện Cần Giờ tiếp giáp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Long An, Bộ đội Biên phòng thành phố tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ MTB cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân; vận động bà con không đánh bắt hải sản bằng các hình thức tận diệt. Hằng năm, đơn vị chủ trì phối hợp tổ chức đều đặn Hội trại truyền thống “Tuổi trẻ giữ biển”, Phong trào “Hãy làm sạch biển”; tổ chức cho bộ đội tham gia giúp nhân dân đắp bờ đê, bờ kè chắn sóng, ngăn triều cường; phối hợp với địa phương tuyên truyền cho ngư dân và bà con ven biển không xả rác, nước thải xuống sông, biển…

Cụ thể hóa công tác tuyên truyền thành nhiệm vụ, Hải đoàn 129 (Quân cảng Sài Gòn) triển khai cho Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-Kỹ thuật thị trấn Trường Sa và các âu tàu, làng nghề trên đảo chủ động ngăn chặn nguy cơ tràn dầu, do tàu cá ngư dân gặp sự cố gây ra; hướng dẫn bà con phương pháp khắc phục tình trạng dò gỉ nhiên liệu để không ô nhiễm nước biển. Các đơn vị: Lữ đoàn 171, 167 (Vùng 2 Hải quân); Hải đoàn 32 (Vùng CSB 3); Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh)… đã phát động phong trào thi đua, cán bộ, chiến sĩ đăng ký quyết tâm bảo vệ MTB bằng những hành động thiết thực cả khi làm nhiệm vụ trên biển và trên bờ, gương mẫu trước ngư dân, tham gia thu gom rác thải tại doanh trại, cầu cảng và khu vực đóng quân; tặng thùng rác để ngư dân giữ gìn môi trường…

Những việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ đã tác động tới nhận thức, chuyển biến thành hành động của đông đảo nhân dân địa phương cùng tham gia giữ gìn MTB. Bà Phạm Thu Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định: "Quân đội là lực lượng nòng cốt ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa môi trường, cứu hộ, cứu nạn. Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ LLVT đã góp phần không nhỏ giữ gìn MTB, hải đảo Việt Nam, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. Riêng khu vực miền Đông Nam Bộ có nhiều tỉnh, thành phố ven biển, nên vai trò của LLVT bảo vệ MTB càng quan trọng. Chúng tôi mong muốn các đơn vị quân đội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân nâng cao nhận thức cùng tham gia bảo vệ MTB; đồng thời phối hợp hiệu quả hơn nữa với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quản lý, bảo vệ và xử lý tốt các tình huống, sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển trong thời gian tới".

Bài, ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chung-tay-bao-ve-moi-truong-bien-591616