Chung tay bảo vệ môi trường vùng nông thôn

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành có những quy định cụ thể về BVMT vùng nông thôn, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ cuộc sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, môi trường sống ở nông thôn hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung, hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được triển khai chủ yếu tại khu vực trung tâm xã, thị trấn, do các công ty dịch vụ môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc các tổ, đội vệ sinh tại địa phương đảm nhận. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt bình quân thu gom, xử lý khoảng 3 - 7 tấn/ngày. Riêng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn, khu vực chưa có điều kiện thu gom, vận chuyển, thì người dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc đào hố chôn lấp.

Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng được người dân thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) phân loại, thu gom. Ảnh: T.NHỊ

Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng được người dân thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) phân loại, thu gom. Ảnh: T.NHỊ

Trên thực tế, một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về BVMT chưa nhận thức đầy đủ và có hành động cụ thể để BVMT nông thôn. Người dân vẫn còn có thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: Vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, ở những nguồn nước. Cơ chế giám sát của cộng đồng trong phát hiện hoạt động xả thải trái pháp luật chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt là, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề phát sinh ngày càng lớn, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT vùng nông thôn. Qua đó, yêu cầu mỗi người dân đề cao ý thức, cùng chung tay BVMT. Thực hiện chỉ đạo này, các địa phương đã cụ thể hóa thành phương châm hành động sát thực với tình hình thực tế. Chính quyền kêu gọi trong sinh hoạt gia đình, mỗi người dân phải thường xuyên làm sạch đẹp nơi ở từ nhà ra ngõ, giảm tối đa rác thải, không vứt rác bừa bãi, thu gom phân loại, bỏ rác đúng chỗ. Đồng thời, tái sử dụng các vật dụng còn có giá trị, áp dụng ủ phân rác hữu cơ để bón cho cây trồng; không để ao tù nước đọng, sử dụng vật dụng thân thiện thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Trong đời sống cộng đồng, thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực sinh hoạt cộng đồng; khơi thông cống rãnh, nạo vét ao hồ. Tích cực trồng cây xanh 2 bên đường, khu vực đất trống, khu vực công cộng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cùng với đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại vùng nông thôn phải thực hiện đúng quy định hiện hành, chất thải phải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép. Trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các mô hình canh tác hữu cơ, không lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thu gom lưu giữ bao gói thuốc bảo vệ thực vật để xử lý đúng quy định. Trong chăn nuôi, chất thải của gia súc, gia cầm phải được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện tốt vệ sinh thú y và phòng ngừa dịch bệnh...

THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202303/chung-tay-bao-ve-moi-truong-vung-nong-thon-3160960/