Chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp

Nâng cao chất lượng môi trường sống, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn đó chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.ĐIỂM NHẤN TỪ CÁC MÔ HÌNH

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong việc nâng cao chất lượng môi trường sống là huyện Cái Bè đã xây dựng nhiều tuyến đường hoa. Theo đó, thời gian qua các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện không chỉ được đầu tư xây dựng rộng rãi, sạch đẹp mà còn được điểm tô bởi những mảng hoa tươi nhiều màu sắc, làm cho bức tranh quê hương Cái Bè thêm rực rỡ, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường và bảo đảm hành lang an toàn giao thông.

Chất lượng môi trường sống trên địa bàn huyện Cái Bè ngày càng được cải thiện, khang trang, xanh - sạch - đẹp hơn.

Chất lượng môi trường sống trên địa bàn huyện Cái Bè ngày càng được cải thiện, khang trang, xanh - sạch - đẹp hơn.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cái Bè, xuất phát từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM, thời gian qua, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện Cái Bè đã xây dựng các tuyến đường xanh - sạch - đẹp. Đầu năm 2020, Hội LHPN huyện Cái Bè phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức phát động Cuộc thi “Tuyến đường hoa” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Để tham gia cuộc thi, mỗi đơn vị Hội LHPN xã thực hiện 1 tuyến đường có tổng chiều dài tối thiểu 1.000 m và đáp ứng 3 tiêu chí: Xanh - sạch - đẹp. Qua thực hiện, Mô hình “Tuyến đường hoa” đã hình thành 168 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 399 km với việc cải tạo hàng rào cây xanh, đến nay có 68.456/75.494 hộ tham gia thực hiện, đạt gần 91%.

Cùng với xây dựng các “Tuyến đường hoa”, từ năm 2011 đến nay, huyện Cái Bè đã triển khai trồng trên 245.000 cây xanh, chủ yếu là cây dầu, cây sao, hoàng yến, bướm hồng, trang đỏ... nhằm góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thực hiện Mô hình “Dòng kênh thông thoáng”, đã thực hiện 97 tuyến kênh, với tổng chiều dài 130.000 m. “Mô hình thu gom và xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại ấp Mỹ Chánh 5, ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A”, với quy mô hơn 111 ha /100 hộ. Mô hình thu gom, xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn huyện Cái Bè, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…

CHUNG TAY VÌ MÔI TRƯỜNG

Trong nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt xây dựng NTM, UBND 25 xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể huyện Cái Bè đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng các mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường. Nhờ vậy đã nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thay đổi hành vi, thói quen xử lý rác sinh hoạt, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần…

Lễ ra mắt mô hình thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình của Hội LHPN xã Mỹ Lương.

Lễ ra mắt mô hình thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình của Hội LHPN xã Mỹ Lương.

Từ năm 2017 đến nay, hằng năm UBND huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cái Bè và các đoàn thể huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện tuyên truyền về thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình nhằm nâng cao tỷ lệ phân loại, thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn huyện; tuyên truyền về thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng... Theo đó, huyện đã triển khai trên 350 cuộc tuyên truyền trực tiếp và hơn 5.000 lần tuyên truyền trên đài phát thanh, với khoảng 10.000 người tham dự, phát hơn 100.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường như: Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình; về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi xả rác thải không đúng quy định…

Theo Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Cái Bè, những năm mới bắt đầu thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, người dân tham gia phân loại chất thải rắn rất ít; tỷ lệ hộ dân thực hiện việc phân loại còn thấp, đến năm 2020 tỷ lệ bắt đầu tăng dần nhờ sự kiên trì thực hiện của cả hệ thống chính trị làm cho người dân thấy được lợi ích của việc phân loại, cộng với người dân đã quen dần với việc phân loại rác thải. Có thể ví dụ cụ thể như năm 2017 chỉ đạt 10,5%, đến năm 2023 đạt hơn 45% với 36.159/80.138 hộ thực hiện.

Theo UBND huyện Cái Bè, trong thời gian tới, huyện Cái Bè sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng xã hội trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Cùng với đó là thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tất cả vì mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

ĐỖ PHI - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202412/chuyen-trang-truyen-thong-va-giam-ngheo-ve-thong-tin-huyen-cai-be-chung-tay-bao-ve-moi-truong-xanh-sach-dep-1029481/