Chung tay chăm lo người yếu thế

Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, nghĩa tình của người dân thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đến từ chính sách an sinh xã hội của chính quyền mà đã lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn bằng việc làm ý nghĩa, thiết thực.

Ngày 15-4, tại chung cư Garden Gate (số 8, đường Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận), những Mạnh Thường Quân sống tại chung cư đã tổ chức điểm tặng thực phẩm thiết yếu hằng ngày với thông điệp: “Nếu khó khăn hãy lấy một gói mỗi ngày, nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Thông điệp nhẹ nhàng, ý nghĩa và sự sẻ chia này đã làm ấm lòng nhiều mảnh đời khó khăn, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường.

Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, nhất là người nghèo, cận nghèo, người lao động bị mất việc làm. Cũng từ đó, nhiều cá nhân, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu có các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh trên bằng nhiều cách thiết thực. Nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ người nghèo bằng suất cơm hằng ngày nhưng không muốn “lộ diện” nên đã nhờ chuỗi quán cơm Nụ Cười có chi nhánh tại nhiều quận, huyện phát cơm miễn phí cho người có nhu cầu. Công tác phát cơm được tổ chức quy củ, tuân thủ yêu cầu cách ly xã hội, mỗi lượt người đến nhận đứng cách nhau tối thiểu 2m.

Bà Bùi Thị Kim Cúc (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, bà vốn mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, trong thời gian cách ly xã hội nên buộc phải nghỉ bán. “Tôi bán ngày nào, chi tiêu ngày đó, nên khi nghỉ bán lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều ngày nay, gia đình tôi phải sống nhờ vào những phần quà, suất cơm của những người hảo tâm tài trợ. Chúng tôi vô cùng biết ơn họ”, bà Bùi Thị Kim Cúc chia sẻ.

Trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền đã luôn đồng hành với người dân bằng những chính sách an sinh mang đầy tính nhân văn và tinh thần trách nhiệm. Đó là việc thành phố đã dành gói hỗ trợ hơn 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong số các đối tượng cần hỗ trợ, có khoảng 600.000 lao động bị mất việc làm (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp). Với đối tượng này, thành phố chi mức 1.000.000 đồng/người/tháng trong thời gian 3 tháng.

Đặc biệt, thành phố cũng đã quyết định hỗ trợ mức 750.000 đồng/người với gần 12.000 người bán vé số lưu động bị ảnh hưởng do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, người bán vé số là đối tượng yếu thế nhất, khó khăn nhất trong lúc này nên cần hỗ trợ sớm. “Để việc trao hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời và bảo đảm phòng, chống dịch, chúng tôi bố trí người đến trao trực tiếp tại nhà dưới sự giám sát của đại diện chính quyền địa phương”, ông Lê Minh Tấn cho hay.

Đối với sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội hóa, kể từ khi phát động nhân dân thành phố tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 14-4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 129 tỷ đồng từ hơn 5.800 đơn vị, cá nhân. Số tiền này không chỉ chi cho việc mua sắm trang bị thiết bị y tế; hỗ trợ các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch mà còn dành để hỗ trợ nhiều đối tượng khác trong xã hội đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm giám sát các chính sách hỗ trợ đến người dân thành phố. “Chính sách an sinh xã hội của thành phố bao phủ tất cả đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội, để những đối tượng không thuộc diện hỗ trợ của Chính phủ và UBND thành phố cũng được quan tâm, chia sẻ, đúng với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/964797/chung-tay-cham-lo-nguoi-yeu-the