Chung tay chia sẻ nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam
Chiến tranh đã lùi xa, song hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn phải mang trong mình di chứng của cuộc chiến bởi phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ rải xuống khắp chiến trường miền Nam.
Chung tay chia sẻ nỗi đau với nạ
Nỗi đau da cam
Trong suốt 10 năm (từ 1961 - 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ phun rải với 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba và đã xuất hiện thế hệ thứ tư.
Tại Bình Thuận, theo số liệu điều tra, khảo sát quân đội Mỹ đã phun rải trực tiếp xuống 166.274 ha, chiếm 8,4% diện tích đất toàn tỉnh. Gần 6.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam. Hầu hết những người bị nhiễm chất độc da cam là cán bộ kháng chiến, là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc. Các nạn nhân mang trong mình căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con, cháu. Trong số đó, có nhiều cảnh ngộ rơi vào khó khăn, kiệt quệ vì bệnh tật. Như gia đình bà Trần Thị Chi ở thị trấn Võ Xu (Đức Linh) có 8 người thuộc 3 thế hệ đều là nạn nhân chất độc da cam; gia đình bà Hoàng Thị Lư ở xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) có chồng (đã chết), 2 con gái và 3 cháu ngoại đều bị tâm thần, mù lòa; hay như gia đình ông Nguyễn Minh Phú ở thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình) có 4 người đều là nạn nhân chất độc da cam…
Hàn gắn vết thương chiến tranh
Trước những nỗi đau của hàng ngàn nạn nhân da cam đang phải chịu đựng, trong suốt quá trình 15 năm hoạt động (thành lập từ ngày 26/8/2005), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng các cấp hội luôn xem công tác vận động nguồn lực quỹ để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” và cuộc vận động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, các cấp hội đã nỗ lực vận động được hơn 41,6 tỷ đồng, năm sau cao hơn năm trước; nổi bật trong giai đoạn 2015 – 2020 đã vận động được trên 21,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, trong những năm qua, nguồn lực quỹ vì nạn nhân chất độc da cam được quản lý chặt chẽ, minh bạch, sử dụng đúng đối tượng và dùng để hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu cấp bách của nạn nhân là 40,76 tỷ đồng, bằng các hình thức như: Xây dựng 193 căn nhà; trợ cấp 448 suất học bổng, 10 suất học nghề; khám bệnh, cấp thuốc cho 4.220 lượt người; thăm hỏi tặng trên 63.600 suất quà cho nạn nhân nhân dịp lễ tết,ngày thương binh liệt sĩ, ngàyvì nạn nhân chất độc da cam… Bên cạnh đó, để hỗ trợ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất, chăn nuôi, sau khi thí điểm từ năm 2011 - 2015 cho 90 hộ vay (mỗi hộ 5 triệu đồng) đạt hiệu quả. Hội đồng quản lý quỹ đã xuấtqũynạn nhân chất độc da cam tỉnh để hỗ trợ đợt 1 (từ 10/8/2016 - 10/8/2019) là 1,8 tỷ đồng cho 180 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi. Năm nay, sẽ tiếp tục thực hiện đợt 2 cho 152 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi với số tiền 1,670 tỷ đồng (thời hạn từ ngày 10/8/2020 - 10/8/2023).
Cùng với việc xây dựng tổ chức hội, vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân, hội đã phối hợp cùng các ngành, cơ quan chức năng liên quan tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ cho nạn nhân, khảo sát toàn diện tình hình nạn nhân. Đồng thời, các cấp hội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao hiểu biết cho cộng đồng xã hội về chức năng, nhiệm vụ của hội, về thảm họa da cam, về cuộc sống sinh hoạt của các nạn nhân… Từ những kết quả vận động nguồn lực quỹ đã cho thấy công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã trở thành phong trào xã hội hóa, góp phần cải thiện, giảm thiểu những khó khăn về cuộc sống từ vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân. Hội thực sự là cầu nối, đại diện cho nạn nhân chất độc da cam của tỉnh với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.