Chung tay đẩy lùi tai nạn lao động
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Yên Bái ngày 22-4 vừa qua khiến nhiều công nhân thương vong, một lần nữa là 'hồi chuông' cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cần phải được chú trọng hơn, để không xảy ra những sự cố đau lòng...
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2022. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương.
Nguyên nhân của tình trạng này là do một số doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm, chưa chú trọng tới công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động còn mỏng, thực hiện chưa tốt, chưa triệt để, dẫn đến vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…
Ngay sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Yên Bái cũng như các địa phương khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 (bắt đầu từ ngày 1-5 đến 31-5) có chủ đề: “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Trước đó, ngày 19-3-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TƯ của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Theo đó, mục tiêu chúng ta cần phấn đấu là kéo giảm số vụ tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng; tỷ lệ tai nạn lao động gây chết người giảm ít nhất 4%/năm.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 31-CT/TƯ của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, xử lý nghiêm vi phạm nếu có; yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện điều kiện lao động; phòng, chống tai nạn lao động tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ cao như khai thác khoáng sản, sử dụng điện, xây dựng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, làm việc trong không gian hạn chế, sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, các khu vực làng nghề, cụm công nghiệp.
Để tạo chuyển biến tích cực cho công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, đẩy lùi tai nạn lao động, cùng với sự vào cuộc tích cực, chung tay của cơ quan chức năng, doanh nghiệp, về phía người lao động cũng cần chủ động tự tìm hiểu, trang bị kiến thức và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện, bảo hộ lao động tại nơi làm việc, trong doanh nghiệp, hộ gia đình.
Khi tai nạn lao động giảm xuống mức thấp nhất thì có nghĩa là chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao. Chung tay thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả sản xuất cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chung-tay-day-lui-tai-nan-lao-dong-665001.html