Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới sự phát triển KT – XH, duy trì nòi giống cũng như đạo đức xã hội. Từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình trạng này ở Hà Giang có nhiều chuyển biến đáng kể và có sự chung tay, vào cuộc tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Với quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các cấp, các ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tổ chức đa dạng các hội nghị chuyên đề, tọa đàm, hội thi tìm hiểu pháp luật và thành lập các mô hình về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Các mô hình hiệu quả như: “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết”; Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với pháp luật”... Qua đó, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về dân số, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Đồng bào dân tộc Pu Péo tích cực lao động sản xuất.

Đồng bào dân tộc Pu Péo tích cực lao động sản xuất.

Từ những thay đổi trong nhận thức, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã chung tay hành động, tích cực tham gia xóa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nổi bật là đóng góp quan trọng của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh. Người có uy tín tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền giúp người dân, thanh thiếu niên chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình, thay đổi nếp nghĩ lạc hậu, từng bước giảm thiểu tảo hôn.

Là chủ thể trong công cuộc đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đồng bào DTTS là lực lượng mũi nhọn, thành viên của các mô hình và tích cực triển khai các đề án, chương trình liên quan. Nổi bật là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Tiểu dự án 2, Dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia... Qua đó, lan tỏa, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến giới, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết và được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Phụ nữ Lô Lô xã Lũng Cú (Đồng Văn) tham gia phát triển du lịch địa phương.

Phụ nữ Lô Lô xã Lũng Cú (Đồng Văn) tham gia phát triển du lịch địa phương.

Toàn tỉnh hiện có trên 179.000 hội viên phụ nữ, phần lớn là phụ nữ DTTS. Phát huy vai trò tiên phong trong đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, hội viên, phụ nữ DTTS có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng người phụ nữ Hà Giang thời kỳ mới. Giai đoạn 2021 đến nay, 100% cán bộ Hội Phụ nữ các cấp ký cam kết xóa bỏ hủ tục về tảo hôn, ép hôn, hôn nhân cận huyết; có 52.950 hộ ký cam kết không cho con tảo hôn. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền 11.840 cuộc nâng cao kiến về phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết; thành lập 85 mô hình, câu lạc bộ về bài trừ các hủ tục, 1.071 tổ truyền thông cộng đồng, 146 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”... Đó là những cách tiếp cận mới, tổng thể, lấy trẻ em, phụ nữ DTTS làm trung tâm để giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, ổn định tình hình KT – XH. Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục tiếp tục huy động sự vào cuộc của đồng bào DTTS trong xóa bỏ hủ tục; triển khai các giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hóa và truyền thông thay đổi nhận thức, tư duy cũ, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Phạm Hoan/Báo Hà Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chung-tay-day-lui-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-217372.htm