Chung tay để vùng biên Nậm Càn khởi sắc
Sau chuyến công tác ở vùng biên Kỳ Sơn (Nghệ An) trở về, bước ra khỏi căn phòng ấm áp giữa Thủ đô Hà Nội, đợt rét lạnh tăng cường khiến toàn thân run rẩy, tôi lại nghĩ và thương những đồng đội ở Đồn Biên phòng Nậm Càn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An).
Bao năm qua, các đồng đội vẫn ngày đêm vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc và chung tay giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, để từng bản làng ngày thêm khởi sắc.
Con đường dẫn về gia đình ông Và Chứ Rùa ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn xuyên qua nhiều nương rẫy. Mùa này, bà con đang thu hoạch sắn, dong riềng. Những tiếng nói cười rộn ràng báo hiệu một vụ mùa bội thu. Nhìn các triền nương thấp với những khe suối chảy qua phù hợp cho canh tác lúa nước và trồng các loại cây ăn quả, nhưng theo Trung tá Xồng Bá Mùa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Càn thì đã có một thời gian dài những khoảng nương ấy bị bỏ hoang, hoặc bà con canh tác rất ít, khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Đồn Biên phòng Nậm Càn tổ chức hái hoa dân chủ vui xuân cùng đồng bào dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Cần lắm những mô hình làm ăn kinh tế để người dân trong bản học tập, noi theo. Chính vì thế, năm 2019, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Nậm Càn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lựa chọn gia đình ông Và Chứ Rùa để xây dựng mô hình trang trại VACR (vườn-ao-chuồng-ruộng), theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.
Ông Và Chứ Rùa cho biết: “Những ngày đầu triển khai mô hình, cán bộ đồn đến tuyên truyền, vận động gia đình thay đổi nếp nghĩ và cách thức phát triển kinh tế để xóa đói, nghèo trên chính những nương rẫy của gia đình. Tôi được cán bộ đồn dẫn đi tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở đơn vị và thấy hiệu quả nên quyết tâm làm”.
Kể từ đó, bằng nguồn lực đóng góp của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Càn và một phần kinh phí trích từ tăng gia sản xuất, đồn đã đầu tư cá giống, gà giống, cây ăn quả, phân bón và hàng trăm ngày công giúp gia đình ông Và Chứ Rùa trồng trọt, chăn nuôi, đào 2 ao thả cá trắm, chép; cải tạo nguồn nước, mở rộng diện tích trồng lúa nước lên 5 sào ruộng.
Giờ đến thăm gia đình ông Và Chứ Rùa, nhìn những đàn gà, đàn ngan tranh nhau tìm thóc dưới gốc cây mít, cây xoài, dưới ao cá lượn theo đàn, xa xa là những con trâu gặm cỏ no tròn... đã thấy cuộc sống của gia đình ông đổi thay rồi. “Giờ mình không sợ đói, nghèo nữa. Nếu thời tiết ủng hộ và mình khỏe mạnh thì chẳng mấy mà gia đình khá giả”, ông Và Chứ Rùa phấn khởi nói.
Cùng triển khai mô hình như gia đình ông Và Chứ Rùa, Đồn Biên phòng Nậm Càn hỗ trợ thêm 2 hộ gia đình ông Và Nỏ Chá ở bản Thăm Hín và ông Thò Bá Và ở bản Liên Sơn, cùng thuộc xã Nậm Càn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, trồng rừng và trồng lúa nước. Đến nay, các mô hình đều phát triển hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn, giúp các gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên thoát đói nghèo và trở thành mô hình điểm để các hộ dân ở các bản học tập, noi theo.
Đồn Biên phòng Nậm Càn được giao nhiệm vụ phụ trách quản lý đoạn biên giới hơn 23km và hai mốc quốc giới (423, 424), địa bàn đơn vị phụ trách ở xã Nậm Càn gồm 6 bản; dân số có 497 hộ/2.622 khẩu (trong đó dân tộc Mông có 475 hộ/2.528 khẩu); hộ nghèo của xã hiện còn 184 hộ, chiếm 38,74%; hộ cận nghèo là 234 hộ, chiếm 49,26%. Địa hình xã Nậm Càn chủ yếu là đồi núi dốc, diện tích sản xuất hẹp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu dựa vào nghề làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, thanh niên trong độ tuổi lao động chủ yếu đi làm công nhân tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
“Khó khăn là vậy, nhưng bằng tất cả nguồn lực, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Càn bao năm qua luôn chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”, Thượng tá Lương Trọng Thủy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Càn tâm sự.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Nậm Càn giao nhiệm vụ cho 21 đảng viên phụ trách 85 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn; phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm xây dựng các mô hình phục vụ cộng đồng như: “Tủ thuốc biên cương” gắn với công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân; mô hình "Ánh sáng đường biên" lắp đặt 30 cột đèn năng lượng mặt trời dọc các tuyến đường của xã, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, mang đến diện mạo mới cho bản làng của đồng bào Mông; tổ hợp Ngôi nhà thiện nguyện “ai cần đến lấy, ai có sẻ chia” để phát nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép... miễn phí cho bà con trên địa bàn.
Cán bộ, nhân viên đồn tích cực trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ trên địa bàn; tham gia ngày công tu sửa, làm mới nhiều tuyến đường liên thôn; hỗ trợ nhân dân các thôn, bản sửa chữa, làm mới nhiều ngôi nhà...
“Những công trình, mô hình thiết thực mà Đồn Biên phòng Nậm Càn hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn thời gian qua đã góp phần thắt chặt tình quân dân; động viên đồng bào dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, đồng chí Lầu Bá Xềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn cho biết.