Chung tay đưa sản phẩm thủy sản vươn xa
Tỉnh Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi, có hệ thống sông, hồ khá lớn. Đặc biệt là hồ Hòa Bình không chỉ có cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng để phát triển du lịch, mà còn là tiềm năng, thế mạnh cho nuôi trồng thủy sản và phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên.
Nhiều năm nay, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, phong trào này phát triển khá nhanh, đến nay đã có khoảng 4.940 lồng nuôi cá. Đa số lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến, lồng lưới, khung sắt. Quy mô sản xuất chuyển dần từ nhỏ lẻ, nhiều chủng loại sang sản xuất tập trung sản phẩm có lợi thế. Theo đó, ngoài đối tượng chủ lực và những loại nuôi truyền thống là cá rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ… thì hiện nay, đối tượng nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao được chú trọng đầu tư như các loại cá: lăng, chiên, bỗng, tầm, trắm đen... Cùng với đó là hình thức sản xuất hợp tác, liên kết gia tăng, thành phần kinh tế tư nhân tham gia ngày càng sâu rộng vào sản xuất nuôi trồng thủy sản đã khuyến khích nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện phát triển mạnh, chất lượng cao. Cũng vì thế các loại thủy sản của tỉnh nói chung và tôm, cá sông Đà nói riêng đã vươn mạnh ra thị trường ngoài tỉnh, nhất là dần có chỗ đứng trên thị trường Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản vùng hồ Hòa Bình chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Việc đưa các giống cá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất chưa nhiều. Hình thức, quy mô, phạm vi liên kết trong nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững. Doanh nghiệp tham gia đầu tư lớn vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều…
Hiện, tỉnh ta đặt mục tiêu phát triển nuôi các loài thủy sản có giá trị cao, nuôi tập trung cá lồng trên các hồ chứa lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu các phương pháp sản xuất nguồn giống mới có giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình ương cá giống trong lồng để chủ động cung ứng đủ số lượng, chất lượng, chủng loại cá giống. Ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản sạch và bền vững; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại hóa chất tác động xấu đến môi trường; kiểm tra, theo dõi diễn biến môi trường, kịp thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh; thông tin thị trường cho người nuôi cá để lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp.
Đặc biệt, nhằm tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông sản nói chung và thủy sản nói riêng, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến các sản phẩm thủy sản, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ cùng chung tay, góp sức vượt qua khó khăn, thách thức khó lường để kiểm soát, duy trì chất lượng an toàn nông sản của tỉnh. Trong đó, riêng với Sở NN&PTNT, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP, thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ điều kiện ATTP theo quy định. Phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức có chất lượng, hiệu quả các chương trình xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc thù của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động hội chợ, tuần lễ, hội nghị xúc tiến đầu tư…
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực về điều kiện đăng ký và chứng nhận đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản. Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Ngoài ra, đối với các tổ chức, cá nhân nuôi trồng và kinh doanh thủy sản, UBND tỉnh yêu cầu: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; nghiêm cấm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh bị cấm. Thường xuyên nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm đối tác, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Cập nhật các rào cản kỹ thuật, những quy định về chất lượng, ATTP sản phẩm thủy sản của nước nhập khẩu để tránh những vi phạm, làm thiệt hại về kinh tế cũng như mất uy tín về chất lượng thủy sản của tỉnh. Liên kết, hình thành các chuỗi khép kín từ các khâu: nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh thủy sản. Tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ sản phẩm trên thị trường như: Tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể…
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/182770/chung-tay-dua-san-pham-thuy-san-vuon-xa.htm