Chung tay, góp sức vì một tương lai tươi sáng cho trẻ em

Việc phản ánh thực trạng lao động sớm của trẻ em cần đồng hành với những giải pháp để ngăn chặn, khắc phục không để tái diễn lặp lại những câu chuyện đó nữa cần sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ của cả báo chí.

Loạt bài viết “Cần một cuộc 'đại phẫu' ngăn ngừa lao động trẻ em” của Nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Tuấn Linh, Nguyễn Mai Lan, Phạm Trung Tuyến và Trang Công Tiến - Kênh VOV Giao Thông đã đạt Giải C tại cuộc thi viết Phòng ngừa lao động về trẻ em. Báo NB&CL đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Phương Thảo và Phạm Linh - đại diện nhóm tác giả xung quanh vấn đề này.

Những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố

- Câu chuyện về những đứa trẻ sớm phải lao mình vào cuộc sống mưu sinh cứ ám ảnh tôi. Nhóm tác giả đã tiếp cận đề tài như thế nào, thưa chị?

Phóng viên Phương Thảo: Loạt bài viết của chúng tôi được bắt đầu bằng hình ảnh chào mời mua bánh phồng tôm, đậu phộng của hai bé gái chừng hơn 10 tuổi trên con đường ven dòng sông Hương- đường Trịnh Công Sơn, phường Phú Cát, thành phố Huế. Ánh mắt nhanh nhẹn, giọng nói lảnh lót của những cô bé đã quá quen thuộc với những va chạm của cuộc sống mưu sinh không ước mơ, không mặc cảm mà chỉ cần tìm mọi cách bán hàng, kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Trong lúc chúng tôi lân la hỏi chuyện những đứa trẻ nơi quán nhậu về mơ ước của chúng thì một người phụ nữ chạy xe máy lại gần và lặng lẽ quan sát. Đó là mẹ của hai bé gái vừa bán bánh cho chúng tôi. Vì một mình nuôi 4 đứa con, mà chị buộc phải để hai con gái lớn 10 và 12 tuổi đi làm thêm ngoài giờ học cùng với mẹ.

Chúng tôi tiếp tục tiếp cận một cậu bé khác là Tuấn - 12 tuổi. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng Tuấn lại là chỗ dựa cho bà ngoại già yếu với đủ thứ bệnh tật đeo bám, càng không thể lao động nuôi Tuấn. Mỗi ngày, sau khi lang thang khắp các góc chợ, chiều tối, Tuấn trở về ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp khuất trong một con hẻm trên đường Xuân 68, phường Thuận Thành, thành phố Huế. Khó nghèo – lang thang kiếm sống - khó nghèo. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn mà hàng nghìn hộ dân vạn đò sông Hương chưa thể bứt ra bấy lâu nay. Những đứa trẻ trong các gia đình này, phải sống dựa vào kinh tế vỉa hè vốn khá phổ biến ở thành phố du lịch. Đó là hai trong số nhiều nhân vật chúng tôi tiếp cận. Câu chuyện và hình ảnh của họ làm cho tâm trạng chúng tôi ngổn ngang, bối rối.

Để có cái nhìn toàn diện chúng tôi đã tìm hiểu những nguồn tin khác. Cụ thể là, chúng tôi cũng tiếp cận các tổ chức xã hội tại địa phương đang phối hợp với PLAN để nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ chức này, những mục tiêu, kết quả họ đã đạt được và những hạn chế về quy mô, năng lực. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đồng thời đi thực tế tìm hiểu, thực địa, khảo sát tại địa phương. Đây là công tác đặc biệt quan trọng, vì qua đó, chúng tôi nắm bắt được thực tế cuộc sống trẻ em lao động đường phố một cách sâu sát, chân xác nhất. Nhóm phóng viên có mặt tại các xóm đường tàu, các xóm tái định cư, các khu vực bờ thành Huế nơi người dân ngụ cư, các con phố du lịch, phố nhậu, các làng nghề truyền thống để lắng nghe chia sẻ của các em, gia đình các em, hoàn cảnh sâu xa dẫn các em đến với lao động sớm. Ngoài ra chúng tôi còn tìm hiểu thông tin qua các cơ quan báo chí.

Trẻ em bán ốc mưu sinh trên đường phố Huế

Song song với việc phản ánh thực trạng trên nhóm tác giả đã tập trung vào việc đi tìm cách giải quyết, vậy thì giải pháp mà nhóm tác giả đưa ra ở đây là gì? Các Dự án về hỗ trợ trẻ em được nhóm tác giả tìm và đưa ra có phải câu trả lời cho những vấn đề đó?

Phóng viên Phương Thảo: Dự án mà chúng tôi dành thời gian tìm hiểu là “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế” do tổ chức PLAN international Việt Nam thực hiện. Đây chỉ là một trong số rất nhiều dự án được triển khai bởi các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, dự án đã cho thấy tính hiệu quả khi áp dụng tại Thừa Thiên Huế. Sở dĩ, có hiệu quả là bởi PLAN đã phối hợp khá chặt chẽ và đồng bộ với các tổ chức xã hội sẵn có tại địa phương, tận dụng, phát huy được thế mạnh của họ để có những giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề lao động trẻ em tại Huế. Cụ thể, là hỗ trợ từ gia đình đến nhà trường, để trẻ em có cơ hội được đi học, được vui chơi an toàn lành mạnh. Và một ưu điểm mà dự án này làm được đó là sự kêu gọi chung tay của xã hội, từng cư dân, từng phụ huynh là những người tham gia dự án. Do vậy họ có ý thức giữ gìn những thành quả mà dự án mang lại.

Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội Codes nhanh chóng triển khai làm hồ sơ bảo trợ, giúp trẻ em thuộc các gia đình khó khăn có được học phí, bảo hiểm và dụng cụ học tập như sách vở, bàn ghế.

Nhưng thiết nghĩ, nếu chỉ trông chờ vào những tổ chức, những dự án thì lời giải cho thực trạng này sẽ thiếu toàn diện?

Nhà báo Phạm Linh: Chúng tôi nhận thấy rằng, không có một giải pháp chung nào cho vấn đề lao động sớm ở trẻ em ở mọi nơi. Mỗi địa phương có một đặc thù kinh tế xã hội rất riêng, kéo theo đó là những hệ lụy xã hội là lao động trẻ em. Do vậy, nguyên nhân từ đâu thì sẽ phải tìm giải pháp tương ứng đi cùng với đó.

Dự án tốt là chưa đủ. Nước xa không cứu được lửa gần. Vấn đề lao động trẻ em ở các địa phương không thể trông chờ vào sự hỗ trợ, can thiệp của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ mà cần phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp tại chính địa phương đó. Các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ có thể là đơn vị cung cấp các mô hình hay, mô hình tốt, các công cụ kỹ thuật được tài liệu hóa để địa phương áp dụng. Nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chuyên trách phải tiếp nhận, có sự quan tâm đúng mức thì mới mong đẩy lùi thực trạng lao động trẻ em một cách lâu dài, bền vững.

Chúng tôi cũng nhận thấy, vai trò cán bộ chuyên trách về trẻ em ở địa phương là vô cùng quan trọng nhưng đây cũng là khâu yếu nhất hiện nay. Mặc dù đã có chủ trương, song việc thực thi, triển khai cán bộ chuyên trách ở các địa phương trên cả nước là vô cùng yếu và thiếu. Đây là một lỗ hổng lớn trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em nói chung là lao động trẻ em nói riêng.

Góp phần giảm thiểu tình trạng lao động sớm của trẻ em cần sự chung tay của báo chí

- Dù sao, những Dự án đó đã có những thành công bước đầu. Chúng ta cần có sự đồng hành như thế nào để tiếp tục tuyên truyền hiệu quả tích cực đó, thưa tác giả?

Phóng viên Phương Thảo: Đúng là như vậy. Hiện nay các Dự án khi đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả tích cực. Tôi nghĩ rằng với chức năng của mình, cơ quan báo chí, các phóng viên cần tiếp tục tìm ra những góc khuất trong cuộc sống của trẻ em, những căn nguyên cội rễ dẫn các em đến việc nghỉ học, lao động sớm. Khi cánh cửa học vấn đóng lại trước mắt các em, đồng nghĩa với rất nhiều rủi ro, nguy cơ đang trực chờ những đứa trẻ. Cùng với vai trò phát hiện, chúng ta cũng là nơi tìm ra những điểm sáng, những mô hình hay, cách làm tốt, để kịp thời phản ánh và qua đó giúp nhân rộng những giải pháp khả thi trong thực tế. Và trên hết báo chí cần là người đồng hành cùng trẻ em mọi lúc, mọi nơi, trong mọi mặt của đời sống. Có lắng nghe tâm tư, nguyện vọng sâu kín của những đứa trẻ, những khó khăn mới được kịp thời tháo gỡ.

Phóng viên Phương Thảo trong một lần tác nghiệp.

- Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình vẫn đang có tư tưởng, chẳng qua là các em phụ việc thôi hay là do khả năng tiếp thu học tập của các em không được nhiều nên là cho nghỉ sớm để làm các công việc khác?

Nhà báo Phạm Linh: Có rất nhiều gia đình, các bậc phụ huynh cho rằng trẻ em học kém thì không cần đi học, thay vào đó phụ giúp gia đình, lao động sớm sẽ có ích hơn. Tư tưởng này đặc biệt rất phổ biến ở các khu vực dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, điều kiện hoàn cảnh sống vô vàn khó khăn. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không phân biệt được con cái phụ giúp công việc với lao động trẻ em từ sớm, thay đổi tư tưởng này không phải diễn ra ngày một ngày hai.

Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em... Chính vì vậy để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Nhà báo Phạm Linh, kênh VOV Giao thông.

Khó khăn ở đây là trong công tác truyền thông của mình làm thế nào đó phân biệt được giữa làm việc và lao động trẻ em. Báo chí nên tìm tòi, phát hiện những tấm gương vượt khó để học tập và thành công nhờ con đường học vấn để chia sẻ. Những tấm gương điển hình như vậy là minh chứng cụ thể nhất, thuyết phục nhất để người dân dần dần thay đổi tư tưởng cố hữu, xem nhẹ việc học, coi trọng lao động chân tay. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là hỗ trợ kinh tế, kế mưu sinh cho gia đình, giảm nhẹ gánh nặng kinh tế mới là giải pháp sâu xa để trẻ em thoát khỏi gánh nặng mưu sinh cho gia đình.

- Trong loạt bài nhóm tác giả có nêu ra chính hoàn cảnh gia đình đặc biệt, éo le đã đẩy một bộ phận trẻ em phải đối diện với nhiều cám dỗ, thậm chí bị dụ dỗ, lôi kéo, buộc phải lao động sớm để mưu sinh và va vấp vào những toan tính khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng ta có trách nhiệm như thế nào trong việc ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn đó?

Nhà báo Phạm Linh: Báo chí làm tốt trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa lao động trẻ em khi trở thành cây cầu nối giữa trẻ em với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, phải đưa ra ánh sáng những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có sự bóc lột sức lao động trẻ em, những đường dây chăn dắt, lạm dụng trẻ em với những thủ đoạn tinh vi và ngày càng phức tạp. Sự lên tiếng của báo chí cần bền bỉ, lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở những cuộc thi, những phong trào ngắn hạn. Báo chí cần thấu cảm nỗi đau của trẻ em, để từ đó đánh thức lương tri của xã hội, kêu gọi những hành động cấp thiết, cụ thể nhất thay vì sự thờ ơ với nỗi đau của các em.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo ước tính của ILO, trên thế giới có khoảng 541 triệu lao động thanh, thiếu niên (từ 15-24 tuổi), chiếm khoảng 15% lực lượng lao động toàn cầu. Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, con số này là 1,75 triệu, chiếm 9,6% tổng số trẻ em từ 5 - 17 tuổi. Trong đó, 70,9% số lao động trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 17,1% trong ngành dịch vụ và 11,9% trong công nghiệp, xây dựng. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Trẻ phải lao động sớm có những tác động tiêu cực là điều ai cũng có thể nhận thấy nhưng có một thực tế là với nhiều người sẽ không phải là điều quá trầm trọng so với sự túng thiếu và nghèo đói. Vì vậy dù đã có nhiều chính sách, quy định được ban hành thậm chí, ở nhiều địa phương đã mở những “chiến dịch” nhằm tuyên truyền để người lớn, bậc phụ huynh nhận diện rõ hơn về tác hại của việc trẻ em phải lao động sớm, song phần lớn bị từ chối ngay khi biết nội dung được tuyên truyền.

Minh Khuê (thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-tay-gop-suc-vi-mot-tuong-lai-tuoi-sang-cho-tre-em-post71749.html