Chung tay hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới

Những năm qua, với nỗ lực không ngừng, Long An đạt nhiều kết quả trong công tác bình đẳng giới (BĐG), góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, công tác BĐG trên các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đều có sự chuyển biến tích cực.

Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới

Các cấp, các ngành, địa phương luôn nỗ lực trong việc thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nổi bật là trong đại dịch Covid-19, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên cho phụ nữ (PN) mang thai, nuôi con nhỏ, PN bị nhiễm Covid-19, nhất là trẻ em, trong đó có trẻ em gái mồ côi do cha mẹ tử vong vì dịch được hỗ trợ thông qua chương trình Mẹ đỡ đầu.

Thời gian qua, tỉnh có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phụ nữ (Trong ảnh: Cuộc thi Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp là một trong những hoạt động thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2022 (Đề án 939))

Thời gian qua, tỉnh có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phụ nữ (Trong ảnh: Cuộc thi Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp là một trong những hoạt động thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2022 (Đề án 939))

Nhắc đến chồng của mình, bà Lê Thị Liên (khu phố Bình Đông 1, phường 3, TP.Tân An) nở nụ cười tươi với ánh mắt đong đầy yêu thương. Bà Liên chia sẻ, vợ chồng bên nhau gần 30 năm, từ lúc lập gia đình còn khó khăn đến khi có được cuộc sống như ngày nay, vợ chồng bà đều tôn trọng, chia sẻ công việc trong gia đình. Đó là cùng nhau nuôi dạy 2 con nên người, bàn bạc, thống nhất trong các công việc chung, động viên nhau để cuộc sống mỗi ngày được tốt hơn.

“Tôi là thợ may gia công tại nhà, còn chồng làm giám sát công trình xây dựng. Những lúc hàng về đều đặn, tôi làm việc liên tục để kịp giao hàng, chồng phụ tôi công việc nhà như nấu ăn, rửa chén,... Giữa chúng tôi không hề có sự phân chia công việc trong nhà mà là sự thấu hiểu, hỗ trợ lẫn nhau” - bà Liên bộc bạch.

Được chồng động viên, thấu hiểu, bà Lê Thị Liên vừa tham gia công tác xã hội, vừa phát triển kinh tế gia đình

Được chồng động viên, thấu hiểu, bà Lê Thị Liên vừa tham gia công tác xã hội, vừa phát triển kinh tế gia đình

Cuộc sống gia đình ấm êm, hòa thuận giúp bà Liên sắp xếp công việc nhà, tham gia hỗ trợ các hoạt động tại địa phương, nhất là đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Thời gian qua, bà phối hợp, vận động người dân đóng các loại thuế; vận động hội viên, PN đưa con, em trong độ tuổi đến trường, tránh trường hợp bỏ học; phối hợp vận động hỗ trợ quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn;... Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền, gia đình bà đạt danh hiệu gia đình văn hóa, nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh vì có thành tích thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” giai đoạn 2016-2021.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến đối thoại PNVN với chủ đề “Thúc đẩy BĐG và phát huy vai trò của PN trong phát triển KT-XH”, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của PNVN. Theo Thủ tướng, cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của PN, công tác PN và BĐG. “Chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho PN, để PN có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau; cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu BĐG và vì sự tiến bộ của PN” - Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Bình đẳng giới từ mỗi gia đình

Mặc dù tỉnh có nhiều nỗ lực trong thực hiện mục tiêu BĐG thông qua những chương trình, hoạt động thiết thực nhưng hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm BĐG thực chất giữa nam và nữ; tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; tỷ lệ trẻ em gái là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại chiếm đa số và giới nữ khó tiếp cận cơ hội việc làm bền vững hơn so với giới nam.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm cho biết, BĐG là một tiến trình. Kết quả được hiển thị theo sự thay đổi của cuộc sống. Hiện nay, BĐG đã chạm vào đời sống từng nhà. Song, vì đó là cuộc sống nên cần có những thay đổi tích cực hơn.

Cần tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế (Trong ảnh: Phụ nữ tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương)

Cần tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế (Trong ảnh: Phụ nữ tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương)

PN hiện nay phần đông đã có được “tiếng nói” trong gia đình, xã hội. PN cũng làm các công việc giống như nam giới, làm kinh tế gia đình, chủ doanh nghiệp, tham gia các hoạt động an sinh xã hội,... Tuy nhiên, bà Nguyễn Thụy Thắm cho rằng, trong cuộc sống còn những gia đình có bạo lực, nhiều PN bất hạnh. Đồng thời, cũng có những PN chưa tự trọng, chính mình còn tự làm cho nữ bị bất bình đẳng, có chị em còn làm sai pháp luật. Điều đó đòi hỏi Hội LHPNVN các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động góp phần cùng hệ thống chính trị vừa giáo dục, vừa phát huy vai trò PN vào sự ổn định và phát triển KT-XH địa phương.

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh có nhiều lớp tập huấn, chia sẻ về kỹ năng quan tâm chăm sóc người cao tuổi trong gia đình; ứng xử trên mạng xã hội cho PN; tự bảo vệ chống xâm hại trên mạng xã hội cho học sinh; kỹ thuật sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi số cho hội viên;... Với 7.233 câu lạc bộ, tổ PN trong tỉnh đang là nơi để “nghe PN nói, nói PN nghe” về pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ và tự giúp nhau trên tiến trình BĐG. Trong những hoạt động tập thể của Hội, dần dần truyền thông để PN phát huy lòng nhân ái, mở rộng kiến thức, giảm tính đố kỵ, hẹp hòi, góp phần cho PN nhận được sự BĐG./.

Phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ

Phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ

Thời gian qua, Hội thành lập các mô hình, câu lạc bộ cho PN tham gia sinh hoạt. Qua đó, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các cuộc vận động và phong trào thi đua do Hội phát động. Sắp tới, Hội sẽ có hoạt động, phong trào nhằm thúc đẩy hơn nữa BĐG, tạo cơ hội và điều kiện cho nam, nữ phát triển toàn diện về mọi mặt, khơi dậy tiềm năng của mỗi người, đóng góp nhiều hơn nữa cho gia đình, cộng đồng và xã hội”.

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Đức Hòa - Lê Thị Cẩm Tú

Ngày nay, vai trò, vị trí của PN trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng đã được nâng lên rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, xét về thực trạng vấn đề giới ở nước ta vẫn còn những bức xúc: Một số PN phải làm nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con, kế hoạch hóa gia đình; tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại và xảy ra ở một số nơi. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến PN, trẻ em và BĐG. Đặc biệt, cần tạo môi trường bình đẳng để PN tham gia ngày càng nhiều vào vị trí lãnh đạo và quản lý, giúp họ thực hiện tốt vai trò của công dân, người lao động, người mẹ, người “giữ lửa” hạnh phúc trong mỗi gia đình”.

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Thanh Vân

Song Nhi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chung-tay-hien-thuc-hoa-muc-tieu-binh-dang-gioi-a144724.html