Chung tay, kề vai, vượt bão lũ… trong hành trình 'nối sóng'

Sau cơn bão Yagi (bão số 3), Viễn thông (VNPT) Lâm Đồng đã cử 2 đoàn công tác, gồm 17 cán bộ, nhân viên kỹ thuật đến Quảng Ninh và Hải Dương, cùng hàng ngàn cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Tập đoàn VNPT trên mọi miền Tổ quốc, tham gia hỗ trợ, ứng cứu, sửa chữa, khắc phục sự cố tại các địa bàn có cơ sở hạ tầng, mạng lưới viễn thông bị thiệt hại do bị bão số 3 tàn phá, nhằm chung tay, khôi phục hệ thống thông tin viễn thông một cách nhanh nhất…

Đoàn Công tác của VNPT Lâm Đồng và cán bộ, nhân viên kỹ thuật VNPT địa bàn Hải Dương

Theo thống kê, chỉ vài giờ bão Yagi đổ bộ, nhưng hệ thống thông tin viễn thông trên địa bàn Hải Dương thiệt hại mất gần 50% thuê bao BRCĐ (Broadband Remote Access connect - dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng tốc độ cao trên đường cáp quang). Ông Lương Tuấn Phương - Trưởng đại diện, Giám đốc VNPT địa bàn Hải Dương, cho biết: Sau khi tiếp nhận nhân sự của các đơn vị hỗ trợ, VNPT địa bàn Hải Dương đã tổ chức phân công anh em cán bộ, nhân viên kỹ thuật phối hợp làm việc theo cặp: Mỗi thành viên đội hỗ trợ đi cùng với anh em nhân viên kỹ thuật của Hải Dương, tập trung xử lý từ gốc đến ngọn, cáp gốc xử lý trước rồi mới đến thuê bao, đưa trạm BTS (Base Transceiver Station - trạm thu phát sóng di động) lưu động đến điểm xung yếu …

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật làm việc với tinh thần làm hết việc chứ không tính giờ

Với tinh thần làm việc khẩn trương và trách nhiệm, gần 10 ngày sau bão, tỷ lệ khắc phục thuê bao địa bàn Hải Dương đã đạt 80% - 85%. VNPT Hải Dương dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi thì đến 20/9 sẽ khắc phục được hoàn toàn hệ thống, phục vụ chính quyền và người dân...

Nhận xét về tinh thần và thái độ làm việc của các thành viên trong đoàn hỗ trợ của VNPT Lâm Đồng, ông Phương cho biết thêm: Ngay sau khi có mặt tại Hải Dương, 6 cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lâm Đồng đã được đưa về huyện Thanh Hà và trực tiếp tham gia xử lý mạng lưới cùng anh em địa bàn. Với năng lực trình độ chuyên môn tốt, anh em cán bộ, nhân viên kỹ thuật được Lâm Đồng cử đi đã không quản nắng mưa, thời tiết khắc nghiệt sau bão tham gia tích cực vào việc khắc phục hiệu quả hệ thống mạng lưới viễn thông.

Trong những ngày làm việc, thành viên trong các đội hỗ trợ nói chung và anh em đến từ Lâm Đồng nói riêng, luôn dậy từ sáng sớm và kết thúc ngày làm việc vào lúc tối muộn. Hình ảnh về sự chuyên cần, tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên kỹ thuật VNPT Lâm Đồng đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với lãnh đạo VNPT địa bàn Hải Dương và đặc biệt là tình cảm của cán bộ, nhân viên kỹ thuật VNPT địa bàn Thanh Hà. Đóng góp một phần không nhỏ giúp Thanh Hà nhanh chóng khắc phục mạng lưới để sớm trở lại hoạt động bình thường như trước khi cơn bão số 3 xảy ra…

Chạy đua với thời gian nên tranh thủ mọi điều kiện tác nghiệp

Ông Trần Minh Trị - Trưởng Đoàn công tác VNPT Lâm Đồng tham gia hỗ trợ tại Hải Dương, chia sẻ: 2 ngày đầu đến Hải Dương (ngày 11,1 2/9), trời còn mưa nặng hạt, nên anh em rất khó xử lý hộp cáp quang ngoài đường, vì cáp quang xử lý chủ yếu bằng máy hàn, mà máy hàn thì không hàn cáp quang dưới trời mưa to được, anh em phải khắc phục bằng cách che áo mưa, che dù… Sau đó, trời nắng ráo, xử lý cũng được nhiều hơn và xử lý chủ yếu ở hộp PON (Passive Optical Network - Mạng quang thụ động) chính, nên số lượng lượng thuê bao mỗi ngày cũng khắc phục được hơn 100.

Anh em Lâm Đồng được Trung tâm Viễn thông Thanh Hà trang bị 6 chiếc xe máy (mượn cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong Trung tâm), giúp thuận tiện trong di chuyển và làm việc… Điều kiện ăn ở của anh em cũng được Trung tâm Viễn thông Thanh Hà hỗ trợ chu đáo.

Anh em thường thức dậy từ 5 giờ 30, ăn sáng rồi đến Trung tâm từ 6 giờ 30 là bắt tay vào việc luôn đến tầm 21 giờ mới về tắm rửa, tập trung dùng bữa tối và nghỉ ngơi…

Phần lớn anh em còn trẻ, mới xa gia đình ít ngày, rất háo hức; thêm nữa, do lần đầu đi làm xa, nên gặp nhau là ríu rít, ban ngày làm việc dù có giang nắng, mệt mỏi đôi chút, nhưng cuối ngày về, tập trung dùng bữa tối, là lại nói chuyện sung sức, vui vẻ…

Một trong những không gian làm việc ở hoàn cảnh đặc biệt

Còn Đoàn công tác của VNPT Lâm Đồng đến Quảng Ninh được bố trí làm việc tại thành phố Hạ Long, cùng các thành viên của VNPT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương. Đoàn Lâm Đồng được chia thành 2 nhóm theo 2 Tổ Kỹ thuật (nhóm 1 có 5 anh em làm việc tại Tổ Kỹ thuật Bạch Đằng do chính Giám đốc Trung tâm Viễn thông Hạ Long trực tiếp phụ trách; nhóm 2 có 6 anh em làm việc tại Tổ Kỹ thuật Cột 5 do Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thông trực tiếp phụ trách), cùng với anh em các tỉnh và anh em địa bàn phối hợp thực hiện xử lý cáp quang ODN (Optical Distribution Network - Mạng phân phối quang) và thuê bao…

Bão Yagi đi qua khiến hệ thống thông tin liên lạc của tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề: đổ gãy 18 cột anten dây co; hệ thống cáp quang đường trục, cáp quang treo của 11/13 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh bị đứt hỏng do gãy đổ cột của VNPT và cột của EVN; khoảng 80.000 thuê bao fiber (dịch vụ cáp quang tốc độ cao do VNPT cung cấp) phải xử lý kéo lại dây thuê bao; Trụ sở Viễn thông tỉnh và các huyện thị bị vỡ kính, tốc mái, ngập lụt một số nhà trạm tại 4 huyện miền đông của tỉnh Quảng Ninh…

Nét đẹp người lao động VNPT Lâm Đồng

Ngay sau bão, Viễn thông Quảng Ninh tiếp nhận 168 nhân sự của 22 đơn vị Viễn thông các tỉnh, thành phố về hỗ trợ xử lý khôi phục hệ thống thông tin liên lạc; trong đó, có 11 cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lâm Đồng.

Theo ông Đoàn Mộng Lân - Trưởng Đoàn công tác VNPT Lâm Đồng tham gia hỗ trợ tại địa bàn Quảng Ninh: Anh em ăn, nghỉ theo 2 khu vực làm việc. Hằng ngày, anh em thường thức dậy lúc 5 - 5 giờ 30 để chuẩn bị và ăn sáng; sau đó, tập trung họp nhóm 15 phút do lãnh đạo Trung tâm Viễn thông chủ trì, phân công công việc theo các nhóm nhỏ hơn; đồng thời, động viên tinh thần anh em, quán triệt tuân thủ an toàn lao động, nhắc nhở giữ gìn sức khỏe…

Bình quân mỗi ngày, thành phố Hạ Long xử lý được khoảng 1.000 thuê bao hoạt động trở lại, khắc phục sự cố ở các khu vực đã có điện trước, rồi kết hợp cả ở khu vực Điện lực khôi phục điện lưới...

Mặc dù làm việc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi (ngày 10 và 11/9 mưa cả ngày, các ngày còn lại nắng nóng), anh em chưa quen khí hậu, nhưng, được lãnh đạo VNPT địa bàn Lâm Đồng và Quảng Ninh tin tưởng giao nhiệm vụ, thường xuyên thăm hỏi động viên; cũng như ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, anh em trong đoàn công tác luôn ý thức tự giác, nhiệt tình, trách nhiệm, làm việc trên 100% công suất, đảm bảo an toàn lao động, có mệt nhưng vui vẻ…

Buổi tối, từ khoảng 20 giờ, anh em nghỉ, về khách sạn tắm rửa, tập trung ăn cơm, chuyện trò, giao lưu các tỉnh với nhau, rồi tranh thủ ngủ sớm để bảo đảm sức khỏe và tiếp tục công việc ngày hôm sau…

Điều kiện làm việc của CB-CNKT VNPT trên các địa bàn bị ảnh hưởng của bão lũ khác

Ông Phan Văn Phúc - Trưởng đại diện, Giám đốc VNPT địa bàn Quảng Ninh, thông tin: Đội cán bộ, nhân viên kỹ thuật của các tỉnh, thành phố và Quảng Ninh chia thành các nhóm để xử lý cáp quang: đường trục, BTS, GPON (Gigabit PON) và xử lý thuê bao quang. Ở những khu vực chưa có điện, anh em còn thực hiện kéo dây thuê bao mới vào nhà khách hàng trước; khu vực nào có điện thì bố trí nhân viên kỹ thuật ưu tiên xử lý khắc phục cho khách hàng hiện hữu...

Gần 10 ngày sau bão, các tuyến cáp quang đường trục khắc phục 100%, cáp quang BTS khắc phục 90%, khôi phục >20.000 thuê bao quang, phát triển mới hơn 10.000 thuê bao di động (vì trong thời điểm này chỉ có Vinaphone duy trì được sóng).

Ông Phúc đánh giá cao tinh thần, thái độ của toàn thể cán bộ, nhân viên kỹ thuật tham gia hỗ trợ cho Quảng Ninh: rất nhiệt tình, làm việc không tính thời gian, không quản nắng mưa, làm hết việc theo kế hoạch giao trong ngày mới về (hầu hết anh em 20 - 21 giờ mới về ăn nghỉ; nhiều nhóm xử lý cáp làm đến sáng hôm sau), được các lãnh đạo Trung tâm Viễn thông rất khen ngợi…

Với sự kề vai, sát cánh nhiệt tình, đầy trách nhiệm của anh em viễn thông các tỉnh thành, cùng sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, nhân viên kỹ thuật Viễn thông Quảng Ninh, chúng tôi hy vọng, đến 30/9/2024, sẽ hoàn thành khắc phục các sự cố trên toàn hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị trên địa bàn Quảng Ninh.

Đồng đội ở quê nhà luôn hỗ trợ và san sẻ công việc thường ngày để Đoàn Công tác sớm hoàn thành nhiệm vụ

Theo ông Hồ Quang Huệ - Trưởng đại diện, Giám đốc VNPT địa bàn Lâm Đồng: Lãnh đạo VNPT Lâm Đồng hằng ngày đều thăm hỏi anh em 2 đoàn công tác, nhắc nhở giữ gìn sức khỏe, bảo đảm an toàn và phối hợp làm việc hiệu quả với anh em địa bàn…; đồng thời, thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi thông tin với lãnh đạo VNPT Quảng Ninh và Hải Dương.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong 2 Đoàn công tác của VNPT Lâm Đồng tại Quảng Ninh và Hải Dương làm việc rất trách nhiệm, được lãnh đạo 2 địa bàn nhận xét tốt… Tuy nhiên, nhằm bảo đảm tinh thần và sức khỏe của anh em trong các đoàn công tác hỗ trợ khắc phục sự cố do bão Yagi gây ra luôn ở trạng thái tốt nhất, Ban lãnh đạo VNPT Lâm Đồng đang có kế hoạch thay nhân sự của các đoàn công tác nếu hoạt động hỗ trợ phải kéo dài…

Điều kiện làm việc của CB-CNKT VNPT trên các địa bàn bị ảnh hưởng của bão lũ khác

Kề vai, sát cánh, chạy đua với thời gian, san sẻ công việc, chung tay “nối sóng”, quyết tâm khắc phục nhanh thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại các tỉnh miền Bắc, khôi phục và kết nối hệ thống thông tin liên lạc viễn thông bị ảnh hưởng… đang là mối quan tâm thường trực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, nhân viên kỹ thuật của Tập đoàn VNPT.

Cùng với cam kết 50 tỷ của Tổng giám đốc VNPT, đội ngũ áo xanh đang làm việc công việc vô cùng ý nghĩa trong địa hình và thời tiết khắc nghiệt, tạo nên những hình ảnh đẹp trong những khung cảnh gãy đổ, bên bờ nước mênh mang, hay vườn cây tan hoang…

Và, họ - mỗi ngày, đang mang niềm vui đến hàng ngàn gia đình, cơ quan, doanh nghiệp…, được cộng đồng xã hội ghi nhận… đang góp phần làm rạng danh thương hiệu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông hàng đầu Việt Nam – VNPT.

Quảng Ninh đang có 22 đơn vị, với 168 nhân sự, tham gia khắc phục sự cố thông tin viễn thông, là: Nghệ An, Quảng Bình, Yên Bái, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Điện Biên, Tp Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Bình.

Hải Dương tiếp nhận 11 đơn vị VNPT tỉnh, thành phố và Net 3, gồm 75 cán bộ, nhân viên kỹ thuật, tham gia hỗ trợ, gồm: TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Trị, Cà Mau, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Yên, Net 32; cộng với 2 đơn vị hỗ trợ xe cẩu là Hà Tĩnh và Thanh Hóa.

Với hạ tầng mạng lưới rộng khắp cả nước, VNPT là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3. Tuy nhiên, với trách nhiệm của một Tập đoàn kinh tế Nhà nước, và truyền thống VNPT, ngay sau khi bão Yagi đi qua, Tập đoàn VNPT cam kết tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đồng thời, quyết định triển khai gói hỗ trợ đặc biệt 50 tỷ đồng dành cho người dân và khách hàng bị ảnh hưởng của bão lũ. Trong đó, 25 tỷ đồng hiện vật (do cán bộ, công nhân viên VNPT mỗi người đóng góp một ngày lương và từ nguồn Quỹ chính sách xã hội của VNPT); và 25 tỷ đồng là các dịch vụ Tập đoàn VNPT cung cấp hỗ trợ miễn phí người dân tại các tỉnh vùng lũ.

Bài NHẬT QUÂN - Ảnh VNPT Lâm Đồng

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/chung-tay-ke-vai-vuot-bao-lu-trong-hanh-trinh-noi-song-f6a2886/