Chung tay kiến tạo những vùng quê phát triển toàn diện

Nhờ XDNTM, Thanh Hóa đang thay đổi rõ nét khu vực nông thôn - không chỉ phát triển hạ tầng, nền sản xuất mà còn thay đổi tư duy, bồi dưỡng khát vọng vươn lên của người dân. Nhân dân càng thêm trách nhiệm với cộng đồng, sống tương thân tương ái, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, tích cực tham gia các phong trào thi đua... cũng nhờ XDNTM'.

Hàng trăm mô hình tích tụ đất đai phát triển sản xuất được gây dựng nhờ Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong ảnh: Mô hình nông nghiệp quy mô lớn tại xã Thành Công (Thạch Thành). Ảnh: P.V

Đó là khẳng định của ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa. Trên thực tế, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của tỉnh đã đạt được nhiều thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Còn nhớ hồi tháng 3/2023, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn lĩnh vực XDNTM làm điểm để tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ nhằm tạo hiệu ứng, nhân lên những điển hình và đúc rút kinh nghiệm để tổ chức cho các lĩnh vực khác. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đều chỉ đạo, định hướng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Nhiệm vụ XDNTM năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan truyền thông, các ngành, các địa phương và các tổ chức đoàn thể tiếp tục thông tin, tuyên truyền về XDNTM và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững, với nhiều nội dung, hình thức phong phú; đồng thời tôn vinh các điển hình tạo sự lan tỏa. Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay XDNTM” với nhiều cách làm hiệu quả. Hơn 1 năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã sửa chữa được gần 100km đường giao thông nông thôn; xây dựng 10km đường điện thắp sáng đường quê; hỗ trợ 26 mô hình cải tạo vườn tạp; trồng mới 101 tuyến đường cây thanh niên, 75 tuyến đường tranh bích họa, cột điện nở hoa; triển khai xây dựng mới 21 tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn.

Các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, vận động phụ nữ thực hiện XDNTM, phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện tiêu chí “5 không, 3 sạch” và “5 có, 3 sạch”. Các cấp hội nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 354 cán bộ hội chủ chốt cấp huyện và cấp xã trong XDNTM; thành lập 586 tổ tự quản về bảo vệ môi trường, nâng tổng số tổ tự quản trên địa bàn tỉnh lên 2.432 tổ/27 huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn, xây dựng các mô hình thu gom, phân loại và xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón tại 120 xã, thị trấn với sự tham gia của 7.042 hộ. Hội nông dân cấp xã đã triển khai xây dựng các mô hình, tiểu dự án về “thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư”; tổ chức tập huấn về kinh tế hợp tác, NTM, nông nghiệp tuần hoàn cho 520 hội viên; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 55 HTX và 365 tổ hợp tác; phối hợp để hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân được vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng vật tư chậm trả để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hội cựu chiến binh các cấp cũng tổ chức các hoạt động, xây dựng các phong trào, mô hình, điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững và XDNTM. Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả. Nổi bật là hai khâu đột phá về làm nhà “nghĩa tình cựu chiến binh” từ quỹ đóng góp của hội viên và xây dựng mô hình “Câu lạc bộ cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”.

Các ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh trên cơ sở nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác hằng năm đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, hoạt động để lồng ghép vào công tác tập huấn, tuyên truyền về Chương trình XDNTM, như: Sở NN&PTNT thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Trường Chính trị tỉnh...

Từ sự đồng thuận và chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, trong năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1 đơn vị cấp huyện, 17 xã và 17 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 173 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Lũy kế đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Gần đây, nhiệm vụ chuyển đổi số trong XDNTM đã mang lại kết quả tích cực. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được xử lý trên môi trường mạng, vượt so với mốc chỉ tiêu ban đầu là năm 2025. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.

So với các kế hoạch của tỉnh đề ra, tính riêng năm 2023, số lượng xã NTM nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch; số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt 130% kế hoạch. Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn NTM thuộc top đầu cả nước. Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được nâng lên. Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, đời sống tinh thần của người dân ở các xã miền núi huyện Ngọc Lặc phát triển mạnh theo tiêu chí NTM. Ảnh: Linh Trường

Tại xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), Chương trình XDNTM tiếp tục phát huy được vai trò chủ thể của người dân và Nhân dân được hưởng thụ những thành quả từ chương trình mang lại. Ông Mai Văn Kỳ, Bí thư Chi bộ thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên phấn khởi: “Do công tác vận động hiệu quả, người dân địa phương hào hứng ủng hộ. Việc triển khai được dân chủ, công khai, những công trình công cộng phát huy hiệu quả trong phát triển đời sống của chính người dân nên họ càng hào hứng. Đến nay, thôn chúng tôi còn được lựa chọn xây dựng thôn thông minh, càng thêm cơ hội để xây dựng làng quê giàu đẹp, hiện đại”.

Trong XDNTM, tiêu chí sản xuất được các địa phương chú trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Các chính sách phát triển nông nghiệp đi kèm với các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh thời gian qua đã giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp. Tính đến hết năm 2023, Thanh Hóa đã tích tụ tập trung hơn 7,1 nghìn ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; chuyển đổi hơn 2,4 nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên 82 nghìn ha. Đến hết năm 2023, giá trị bình quân 1 ha trồng trọt của tỉnh đã đạt 120 triệu đồng, cao hơn 5 triệu đồng/1 ha so với năm 2022, trong đó, nhiều diện tích canh tác theo hướng công nghệ cao đạt từ 300 triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm.

Tuy vẫn còn tới 94% (96/102 số xã) chưa đạt chuẩn NTM tập trung ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với điều kiện khó khăn, nhưng trong 9 tháng còn lại của năm 2024, Thanh Hóa vẫn đề ra chỉ tiêu phấn đấu thêm 1 huyện, 15 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 105 sản phẩm OCOP được công nhận.

Nhóm PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/chung-tay-kien-tao-nhung-vung-que-nbsp-phat-trien-toan-dien/211225.htm