Chung tay làm AI, nếu không nhanh cơ hội sẽ qua đi

'Việt Nam phải đi nhanh hơn về trí tuệ nhân tạo (AI) và không có lựa chọn khác. Giới trẻ và doanh nghiệp hãy chung tay làm AI vì nếu không nhanh thì cơ hội sẽ qua đi', Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu như vậy ở phiên tọa đàm tổng thể tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo AI4VN ngày 16/8/2019.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại tọa đàm Ngày hội trí tuệ nhân tạo AI4VN, ngày 16/8

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại tọa đàm Ngày hội trí tuệ nhân tạo AI4VN, ngày 16/8

Trí tuệ nhân tạo: Bây giờ hoặc không bao giờ

Đây là ngày thứ 3 của AI4VN với một chuỗi các sự kiện và phiên tọa đàm tổng thể với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo Bộ, ban ngành, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước.

Bên cạnh các tọa đàm với tham luận của giới chuyên gia và các nhà khoa học là màn trình diễn công nghệ AI của Đại học Bách khoa, FPT, Hệ tri thức Việt số hóa, Abivin và VietAI.

Trong phiên tổng thể, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Chu Ngọc Anh nhắc lại: Thủ tướng Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Với chức năng của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có những tham mưu để phát triển công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Bộ tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Cũng một hướng nhìn xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin rằng AI có khả năng trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.

Theo Bộ trưởng Dũng, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo có bước phát triển mạnh. Năm 2018, ngành công nghiệp này tăng trưởng hơn 70% năm, tương đương 200 tỷ USD so với năm 2017. "Đây là thời điểm mang tính lịch sử, cần hành động theo tinh thần bây giờ hoặc không bao giờ", người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.

Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0, ưu tiên phát triển ngành AI với nhiều nhóm chính sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có AI. Thứ nhất, khơi thông nguồn vốn cho AI qua các quỹ đầu tư trong nước quốc tế. Thứ hai, hoàn chỉnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, được coi là mục tiêu quyết liệt với việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Năm 2018 đánh dấu sự kiện thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới tri thức AI người Việt tại một số quốc gia khác, cũng như thành lập quỹ global fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa đưa tri thức của người Việt đi ra thế giới.

AI là tương lai của Việt Nam

Thực tế đã cho thấy, tận dụng tốt AI, các quốc gia có thể tiến một bước dài, bỏ qua giai đoạn phát triển mà những cường quốc từng trải qua. Từ năm 2017 các nước đã tham gia vào cuộc chạy đua triển khai AI, Việt Nam là một trong số đó.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, TS. Kyoo Sung Noh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cho biết, tại Hàn Quốc AI đã thay đổi cơ cấu toàn xã hội, việc làm, ngành nghề và cả con người.

Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng các chính sách phát triển AI, trong đó tập trung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng, và cũng xây dựng cơ sở hạ tầng cho nguồn dữ liệu lớn.

TS. Kyoo Sung Noh gợi ý: Trí tuệ nhân tạo có thể là hướng đi của Việt Nam. Giống như Hàn Quốc, AI sẽ là tương lai của Việt Nam. Nhưng Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển AI dài hạn hơn.

Với sự phát triển rất nhanh và với nhiều ưu việt của AI, thì dự báo sẽ không ít người mất việc làm vì AI. Tuy nhiên, ông Vesterbacka, đồng sáng lập Fun Academy và Rovio - công ty phát triển trò chơi Angry Birds lại rất lạc quan, ông nói: AI một mặt lấy đi công việc của con người, nhưng mặt khác lại tạo ra những công việc mới, cơ hội mới cho giới trẻ.

Và để con người không mất việc làm, theo ông Vesterbacka, con người không cạnh tranh với máy móc mà cần kết hợp với máy móc, chuẩn bị kỹ năng để tiếp nhận những công việc sẽ có trong tương lai. Trong thời đại 4.0 và trí tuệ nhân tạo, cần đầu tư vào cái gốc là giáo dục để đi xa hơn, nhanh hơn. Vì thế ngay từ lúc này, giáo dục đào tạo phải hướng đến AI, trang bị kỹ năng cần thiết, phát huy sự sáng tạo cho giới trẻ để theo kịp những thay đổi trong thời gian tới.

Là một người am hiểu và đam mê, luôn quan tâm đến khoa học, công nghệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu với những lời tâm huyết. Ông nói: “Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học nữa mà thành câu chuyện về kinh tế xã hội để Việt Nam phát triển".

Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với các nước, vì vậy Phó Thủ tướng nhấn mạnh "Phải đổi mới giáo dục, khơi dậy sự sáng tạo đối với tất cả mọi người. AI tưởng chừng là thứ cao siêu, nhưng không hẳn là như thế. Phải đào tạo nhiều tầng dể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải làm sao lan tỏa kiến thức CNTT, AI đến tận mọi người dân".

Phó Thủ tướng bày tỏ: "Tôi mong cộng đồng AI, CNTT cùng nhau chung tay làm những việc thật thiết thực để Việt Nam, bằng CNTT, AI có thêm công cụ để bước nhanh hơn, cố gắng bước bằng các quốc gia, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước".

“Không có sự lựa chọn nào khác là phải phát triển nhanh hơn để vượt lên. CNTT, khoa học, AI là công cụ mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng nó có thể qua đi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tri Nhân

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chung-tay-lam-ai-neu-khong-nhanh-co-hoi-se-qua-di-91151.html