Chung tay mở rộng cơ hội trong nền kinh tế số cho người khuyết tật Việt Nam

Việc mở rộng cơ hội học tập, việc làm và khởi nghiệp cho người khuyết tật chính là sự thể hiện rõ ràng của một xã hội công bằng, bao trùm và nhân văn, đúng với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cùng Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số cho người khuyết tật.

Sự kiện được tổ chức tại TikTok Creator House – không gian tiêu biểu cho tinh thần đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ.

Đây là một hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển và ứng dụng khoa học- phục vụ đời sống nhân dân và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Hướng tới một xã hội phát triển bao trùm và nhân văn

Chương trình hợp tác được triển khai trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên ”, do SYS Việt Nam, TikTok Việt Nam và Báo Nhân Dân đồng khởi xướng. Đối với người khuyết tật, nền kinh tế số - nếu được dẫn dắt đúng cách – sẽ là cơ hội thiết thực để học nghề, làm nghề và tự chủ sinh kế.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm SYS Việt Nam, nhấn mạnh: “Người khuyết tật cần cơ hội. Cơ hội để học hỏi, để làm việc, để sống bằng sức lao động của mình. Bằng việc đồng hành cùng Hội Thanh niên Khuyết tật và eComDX, chúng tôi mong muốn biến tinh thần của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 thành hành động cụ thể, góp phần vào sự phát triển hài hòa và nhân văn của xã hội”.

Mô hình hợp tác ba bên: Đồng bộ-Đồng hành-Đồng kiến tạo

Thỏa thuận lần này xác lập mô hình hợp tác chặt chẽ giữa 3 chủ thể: cơ quan quản lý Nhà nước (eComDX – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), tổ chức chính trị-xã hội (SYS Việt Nam) và tổ chức đại diện người yếu thế (Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam).

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm eComDX cho biết: “Việc mở rộng mạng lưới thụ hưởng chương trình cho người khuyết tật là bước tiến quan trọng, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn góp phần tạo nên một lực lượng lao động mới, có khả năng tham gia tích cực vào hệ sinh thái thương mại điện tử quốc gia”.

Theo nội dung ký kết, chương trình sẽ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số, tư duy kinh doanh, và thương mại điện tử – được thiết kế riêng cho người khuyết tật, phù hợp với đặc điểm tiếp cận và hoàn cảnh sống. Ngoài đào tạo, người học sẽ được hỗ trợ về mô hình kinh doanh, công cụ công nghệ, kết nối thị trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lực lao động của người khuyết tật.

Người khuyết tật là một phần của giải pháp phát triển

Đại diện cộng đồng , ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, bày tỏ xúc động và khẳng định: “Người khuyết tật không muốn nhận sự thương hại. Họ mong được công nhận, được trao quyền, được đóng góp. Có nghề, có sinh kế, có cơ hội làm chủ cuộc sống, đó là khát vọng chung của hơn 6 triệu người khuyết tật Việt Nam”.

Theo ông Thành, phần lớn người khuyết tật hiện nay chưa có điều kiện học nghề, tiếp cận công nghệ hay khởi nghiệp. Việc đồng hành của các tổ chức như SYS Việt Nam và eComDX sẽ mở ra những con đường mới, đưa họ hòa nhập vào đời sống kinh tế-xã hội một cách chủ động, bền vững.

Trong chương trình, TikToker Nguyễn Quang Linh là người khuyết tật cũng tham gia chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện một phiên livestream mẫu để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nguyễn Quang Linh tham gia bán hàng trên TikTok từ cuối năm 2024, hiện nay đã đạt doanh thu 1 tỷ đồng/tháng.

Cam kết hành động, không để ai bị bỏ lại phía sau

Sự kiện ký kết không chỉ là nghi thức hợp tác, mà là sự khởi đầu cho một cam kết xã hội mạnh mẽ, rằng người khuyết tật có thể và cần được đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Trong tháng 7/2025, các lớp đào tạo đầu tiên sẽ được triển khai với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia từ TikTok Shop, DAKE MCN và chính những người khuyết tật đã khởi nghiệp thành công - tạo ra sự lan tỏa cảm hứng từ thực tiễn.

Sáng kiến lần này cũng gửi đi thông điệp về trách nhiệm xã hội trong kỷ nguyên số: chúng ta không thể phát triển bền vững nếu bỏ quên những nhóm yếu thế. Việc mở rộng cơ hội học tập, việc làm và khởi nghiệp cho người khuyết tật chính là sự thể hiện rõ ràng của một xã hội công bằng, bao trùm và nhân văn, đúng với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Kinh tế số, nếu được tổ chức bài bản và công bằng, chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa hòa nhập cho mọi người dân, không phân biệt hoàn cảnh, giới tính hay năng lực thể chất.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chung-tay-mo-rong-co-hoi-trong-nen-kinh-te-so-cho-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-post892914.html