Chung tay ngăn chặn bạo lực học đường
Trường học là môi trường giáo dục, thế nhưng sự tồn tại của bạo lực học đường (BLHĐ) đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít học trò và để lại những hệ lụy khó lường. Mặc dù chính quyền, các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình học sinh đã có nhiều giải pháp ngăn chặn song tình trạng BLHĐ vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp...
Giữa tháng 4-2023, xảy ra vụ một nữ sinh ở Nghệ An tự tử nghi do bị BLHĐ khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đầu tháng 6 vừa qua, một nam sinh ở Trường THCS Hưng Thủy (xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã không thể tham dự kỳ thi vào lớp 10 do bị bạn đánh hội đồng xuất phát từ mâu thuẫn trong tiệc chia tay cuối cấp... Đó chỉ là hai trong nhiều vụ BLHĐ xảy ra thời gian qua. Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Vai trò gia đình, nhà trường và xã hội trong phòng, chống BLHĐ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, thực tế cho thấy rất khó để triệt tiêu hoàn toàn nạn BLHĐ, cả xã hội cần chung tay để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.
Thời gian qua, tại tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra một số vụ BLHĐ. Có thời điểm trong năm 2021, liên tiếp xảy ra 4 vụ học sinh đánh nhau chỉ trong một tháng. Năm học 2022-2023, nạn BLHĐ lại tiếp tục diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Riêng ở thị xã Buôn Hồ, ngay đầu năm học đã có tới 5 vụ học sinh đánh nhau, trong đó có vụ nữ sinh lớp 8 bị nhóm học sinh cùng trường dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp, trong tiếng reo hò phản cảm. Trước thực trạng trên, cử tri thị xã Buôn Hồ đã chất vấn, đề nghị các ban, ngành liên quan cần có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn nạn này.
Điều đáng nói là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc BLHĐ hầu hết xuất phát từ những mâu thuẫn, xích mích nhỏ như: Nghi bạn nói xấu mình, trêu ghẹo nhau quá mức... Đã trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành giáo dục, ông Phạm Đăng Khoa nhận thấy BLHĐ là vấn đề nhức nhối không chỉ riêng ở Đắk Lắk mà của cả nước. Từ năm 2012 đến 2020, tỉnh Đắk Lắk xảy ra khoảng 200 vụ BLHĐ. Thực trạng này có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Trước đây, các vụ học sinh đánh nhau chủ yếu là nam sinh ở cấp THPT, nhưng gần đây, BLHĐ còn xảy ra ở cấp THCS và có sự tham gia của cả nữ sinh. Bạo lực không chỉ xảy ra ngoài khuôn viên trường học mà còn xuất hiện ngay trong trường học-môi trường được xây dựng lành mạnh, an toàn cho học sinh. Điều này đã tác động lớn đến tinh thần của học sinh, bởi giai đoạn này các em đang trong tuổi trưởng thành, rất nhạy cảm.
Một nguyên nhân đáng lưu ý dẫn đến BLHĐ là xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, trong khi việc kiểm soát sử dụng mạng xã hội như thế nào cho phù hợp chưa được các gia đình quan tâm. Bên cạnh đó, phần lớn các vụ BLHĐ rơi vào những gia đình thiếu quan tâm đến con trẻ; bố mẹ đi làm ăn xa, giao việc nuôi dạy con cho ông bà; trẻ sống trong môi trường tồn tại bạo lực gia đình... Về phía nhà trường, vẫn còn một bộ phận giáo viên chủ nhiệm chưa làm hết trách nhiệm, làm cho xong việc. Nhiều trường chưa có giáo viên chuyên môn tư vấn tâm lý để làm nơi trẻ tìm đến khi gặp bế tắc...
Để ngăn chặn, giảm thiểu BLHĐ, ông Phạm Đăng Khoa cho rằng trường học có vai trò rất quan trọng, vì vậy nhà trường cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thành lập các câu lạc bộ, đội văn-thể-mỹ... để tăng sự tương tác giữa học sinh với nhau và với thầy cô. Các đoàn thể, hội nhóm trong trường cần tổ chức nhiều hoạt động tập thể thiết thực... “Chúng ta cần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh. Các thầy cô phải làm gương, vận dụng các kỹ năng sư phạm để dạy học trò. Giáo viên cần sâu sát, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, tính cách, nguyên nhân khiến các em vi phạm, từ đó có biện pháp phù hợp, tuyệt đối không được dùng bạo lực để giáo dục học sinh...”, ông Phạm Đăng Khoa nhấn mạnh.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chung-tay-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-731768