Chung tay ngăn chặn bạo lực với phụ nữ

Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những vi phạm nghiêm trọng tới quyền của phụ nữ, là nguy cơ tiềm ẩn phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Việc ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực đối với phụ nữ là một trong những mối quan tâm giải quyết của tỉnh Phú Thọ cũng như của Việt Nam hiện nay.

Phụ nữ Phú Thọ ngày càng tự tin, năng động trong xã hội hiện đại.

Phụ nữ Phú Thọ ngày càng tự tin, năng động trong xã hội hiện đại.

Đa dạng hình thức truyền thông phòng, chống bạo lực

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực, trong số các vụ bạo lực gia đình có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em. Để ngăn chặn tình trạng bạo lực, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình... bằng nhiều hình thức, từ ban hành các văn bản pháp lý đến đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Tại Phú Thọ, thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình, phòng, chống bạo lực, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị chức năng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động thay đổi, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thực hiện tốt pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đồng chí Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh và hướng dẫn của Sở VH,TT&DL, các huyện, thị, thành đã ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện tốt công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các sở, ngành địa phương, đơn vị đã tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động truyền thông về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì bình đẳng giới...

Điển hình như Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm với Chủ đề “Gia đình bình an- Xã hội hạnh phúc”, hội thi “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, gặp mặt gia đình hạnh phúc tiêu biểu, biểu dương, tặng quà cho 418 gia đình hạnh phúc tiêu biểu, 147 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc...

Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn, các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới (thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng tác, thi sân khấu hóa, tuyên truyền viên giỏi), giao lưu văn nghệ, thể thao; tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.

Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (Sở VH,TT&DL) tổ chức 12 buổi biểu diễn nghệ thuật, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; lồng ghép nội dung tuyên truyền hưởng ứng kỷ niệm phục vụ nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa bằng các ca khúc, vở kịch ngắn, kịch vui chủ đề về gia đình, thu hút hàng vạn lượt người xem...

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hướng dẫn thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đăng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em nói riêng.

Phiên tòa giả định và truyền thông pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức.

Phiên tòa giả định và truyền thông pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Hiện toàn tỉnh có 2.328 tổ hòa giải, trên 14.000 hòa giải viên, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải gần 3.000 vụ, việc, tỉ lệ hòa giải thành đạt trên 80%, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, hàn gắn, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình. Nhờ có đội ngũ này, không ít những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại cộng đồng đã được quan tâm tháo gỡ, hóa giải nhanh chóng. Đặc biệt, số vụ bạo lực gia đình giảm hẳn, khi có dấu hiệu hành vi bạo lực xảy ra, mọi người đều có trách nhiệm ngăn chặn, có một địa chỉ tin cậy để thông báo và được hỗ trợ kịp thời.

Đồng chí Phạm Thị Kim Loan - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Để thực hiện tư vấn, giúp nạn nhân bạo lực gia đình mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Hội đã tổ chức ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy” trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em”. Hội đã thành lập được 12 “Địa chỉ tin cậy” tại năm huyện trong tỉnh, mô hình này là một tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng do UBND xã thành lập, quản lý, gồm các thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng như trưởng công an, cán bộ Hội LHPN, cán bộ tư pháp, văn hóa, các trưởng khu dân cư... với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình. Đây là việc làm hết sức cần thiết để thực hiện tư vấn, giúp nạn nhân của bạo lực gia đình mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của “Địa chỉ tin cậy”, đồng thời thông qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình câu lạc bộ về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng, duy trì, ngày càng nhân rộng tại địa bàn dân cư và hoạt động lồng ghép vào các mô hình câu lạc bộ khác với hình thức, nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, chất lượng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình luôn cần những nỗ lực dài hạn, có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đồng chí Phạm Thị Thu Hương - TUV, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Sở cũng ban hành Kế hoạch triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2023 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đây là dịp để toàn xã hội tiếp tục đẩy mạnh giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thu hút sự quan tâm đề cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Liên hợp quốc chọn ngày 25/11 hàng năm là “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế; là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc, phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình thực sự yên ấm, hạnh phúc là điều kiện để xây dựng xã hội phát triển. Do đó, cần chung tay phòng, chống tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vì mục tiêu “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/chung-tay-ngan-chan-bao-luc-voi-phu-nu/202545.htm