Chung tay ngăn chặn nghịch lý 'biến đổi khí hậu'

Ngày 2-12, Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đã khai mạc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Mặc dù không có quá nhiều hy vọng tạo được đột phá nhưng sự kiện này là dịp để các nước cùng nhau thể hiện quyết tâm đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang tiến gần tới 'điểm không thể cứu vãn'…

Theo dự kiến, COP 25 sẽ tập trung chủ yếu vào việc hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021. Mục tiêu của Hiệp định Paris được 197 quốc gia ký kết và 185 nước thông qua, là duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp ước cũng đặt ra mục tiêu các nước giàu đóng góp khoản ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn.

Hội nghị kéo dài 2 tuần diễn ra trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đang phải gồng mình gánh chịu những hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu khiến Trái Đất ấm lên. Những vụ cháy rừng lớn chưa từng có ở Nam Mỹ, Australia, nắng nóng bất thường tại châu Âu, hay những trận lụt lịch sử ở nhiều nước trên thế giới… chính là lời cảnh báo đanh thép trong việc ngăn chặn mối đe dọa được cho là đáng sợ hơn cả khủng bố này.

 Các phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị COP 25 ở Tây Ban Nha.

Các phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị COP 25 ở Tây Ban Nha.

COP 25 được hy vọng sẽ là nơi các nước đưa ra các cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhằm hướng tới đạt được mục tiêu chung là kìm hãm sự tăng nhiệt toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5 độ C theo mục tiêu đặt ra trong Hiệp ước Paris. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá các nước Liên minh châu Âu (EU) nắm giữ vai trò chủ chốt và là nền tảng trong các cuộc đàm phán hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn carbon. Chủ tịch Ủy ban châu Âu mới được bầu, bà Ursula von der Leyen đang cố gắng thúc đẩy toàn khối hướng tới mục tiêu đưa lượng khí phát thải về 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, một số nước thành viên EU như Ba Lan và Hungary phản đối mục tiêu này.

Theo giới phân tích, sẽ có rất ít hy vọng tạo ra được đột phá tại COP 25 lần này. Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Micha Kurtyka cho rằng các nước trên thế giới vẫn chưa hành động đủ quyết liệt. Trên thực tế, các cam kết về khí hậu chưa bao giờ được các nước thực hiện đúng, nhất là những quốc gia có lượng khí phát thải hàng đầu thế giới. Tính đến thời điểm hiện nay chỉ có tổng cộng 71 nước, hầu hết là các nước có lượng khí thải thấp, cam kết đưa mức phát thải về bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt phải kể tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi các nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil còn “mập mờ” về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn.

Trước đó, báo cáo mới nhất của LHQ chỉ ra cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Để giữ mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, về lý thuyết lượng khí thải CO2 cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng mục tiêu này dường như “bất khả thi” khi trên thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới.

Một loạt các báo cáo của các cơ quan khí tượng gần đây đã cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, không chỉ đơn thuần là một vấn đề dài hạn mà là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó nếu tiếp tục chậm trễ, con người sẽ không còn điểm quay đầu.

Tổng Thư ký LHQ chỉ rõ loài người đã có chiến tranh với hành tinh trong nhiều năm qua và giờ đây hành tinh này đang chống trả. Ông Guterres cảnh báo loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này.

Năm 2019, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến những tác động khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng đến thế. Nhiệt độ toàn cầu trong 5 năm qua được ghi nhận ở mức ấm kỷ lục, trong đó năm 2019 là năm nóng thứ hai chưa từng thấy. Đây cũng là năm mà làn sóng kêu gọi tăng cường nhận thức và hành động chống biến đổi khí hậu trong cộng đồng tăng cao chưa từng có. Nhưng nghịch lý là nó lại tỉ lệ nghịch với những kết quả báo cáo về tình trạng biến đổi khí hậu được đưa ra gần đây, khi cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng và cấp thiết hơn.

Sức ép càng lớn lên các quốc gia, quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo cũng cao hơn, nhưng vẫn đáng buồn khi phải chứng kiến thực tế là các cam kết không đi kèm với hành động. 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia COP 25 lần này là một con số không nhỏ, nhưng điều được trông đợi nhiều hơn là họ sẽ cùng nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp để đối phó với một hiểm họa chung không của riêng ai.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chung-tay-ngan-chan-nghich-ly-bien-doi-khi-hau-604296