Chung tay phát triển thể loại kịch văn học

Theo các nhà chuyên môn, việc tăng cường xu hướng sáng tác kịch bản văn học cho sân khấu sẽ góp phần lưu trữ những sáng tác văn học cho đời sau

Ngày 8-9, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay", với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu như: PGS-TS Trần Thị Yến Chi, thạc sĩ sân khấu Nguyễn Thị Bích Phượng, tác giả - đạo diễn Bùi Quốc Bảo, tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Cao Tấn Lộc, đạo diễn Nguyễn Thanh Thương, ThS Nguyễn Thị Thanh Thủy, đạo diễn Tùng Phi, Đinh Thị Thu Huyền...

PGS -TS Trần Yến Chi , Chủ tọa đoàn hội thảo “Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay”.

PGS -TS Trần Yến Chi , Chủ tọa đoàn hội thảo “Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay”.

Tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo đang phát biều tại hội thảo “Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay”

Tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo đang phát biều tại hội thảo “Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay”

PGS-TS Trần Yến Chi, Chủ tọa đoàn hội thảo, cho biết hội thảo này nhằm làm rõ hơn mục tiêu "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020 - 2030" của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, từ đó có những định hướng chiến lược cho sự phát triển của TP HCM về văn học nghệ thuật, trong đó có thể loại kịch văn học.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Tiên Nga” - một kịch bản thuần Việt đậm chất văn học do đạo diễn - NSƯT Thành Lộc dàn dựng

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Tiên Nga” - một kịch bản thuần Việt đậm chất văn học do đạo diễn - NSƯT Thành Lộc dàn dựng

Theo những người trong cuộc, hiện nay tại TP HCM đã hình thành dòng kịch văn học đầy chất Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư với các vở như: "Đời Như Ý", "Đò tình", "Cải ơi", "Nửa đời ngơ ngác", "Rau răm ở lại", "Mơ trăng bóng nước", "Mút chỉ mút cà tha", "Trả lại lia thia"... và được khán giả đón nhận. Khi đội ngũ làm nghề am hiểu về văn học, sự đồng cảm của họ sẽ khai thác hiệu quả kho tàng văn học, qua đó khán giả sẽ được thụ hưởng những vở diễn giá trị về nội dung.

Các nhà chuyên môn cho rằng TP HCM là một trong những trung tâm giáo dục của cả nước, có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở nghiên cứu khoa học. Đây là một cơ hội cho sân khấu kịch văn học vì có thể thu hút được nhiều sinh viên, giáo viên, nhà khoa học... là những người có nhu cầu giải trí và học hỏi cao.

"Đối với người có trình độ học vấn cao, kịch văn học là một hình thức nghệ thuật cao cấp, mang đến những trải nghiệm thẩm mỹ và tư tưởng sâu sắc" - tác giả Bùi Quốc Bảo nói.

Các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, báo chí tham gia hội thảo “Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay”.

Các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, báo chí tham gia hội thảo “Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay”.

Nhiều người trong cuộc bức xúc vì hiện nay vẫn còn tình trạng kịch bản văn học có nội dung lan man, vô thưởng vô phạt, chỉ là những trò diễn chiều theo thị hiếu khán giả để rồi đến cuối lại kết thúc bằng một thông điệp gượng ép và giáo điều. Chính cách làm này khiến cho giá trị của kịch văn học bị biến tướng, kém hiệu quả giáo dục.

ThS Nguyễn Thị Bích Phượng trăn trở: "Cách đây hơn 10 năm, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã thành lập CLB Đạo diễn trẻ, nơi quảng bá những tác phẩm văn học. Nhưng tiếc rằng vì nhiều lý do đã không thể duy trì".

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM cần xem xét thành lập CLB Văn học kịch, có cơ chế đặc thù để duy trì hoạt động. Từ sân chơi quy tụ đội ngũ tác giả trẻ có năng khiếu sáng tác và cảm thụ văn học, tổ chức tập huấn, giao lưu với các tác giả đã thành công trong sáng tác kịch bản văn học, các nhà văn và chia theo từng lĩnh vực: văn học Việt Nam, lịch sử; văn học thế giới; chuyển thể từ truyện ngắn, tiểu thuyết... Từ sân chơi này sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm kịch văn học cho sân khấu kịch TP HCM - nhiều nghệ sĩ đề xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng sân khấu kịch văn học cũng cần có những tác phẩm hướng tới những đối tượng cụ thể: thiếu nhi, giới trẻ, người trung niên, khán giả thích chiêm nghiệm và suy ngẫm, hài kịch, bi kịch, kịch thể nghiệm... Hiện nay, thể loại hài kịch đang chiếm xu thế và gây ra mất cân bằng trong thưởng thức nghệ thuật.

Nhiều người trong cuộc cho hay hiện nay các diễn viên trẻ đã khai phá ra loại hình kịch cà phê, người sáng tác trẻ có thêm sân chơi để có sự sáng tạo mới. Các cơ quan chức năng cần sớm có những định hướng và hỗ trợ cho loại hình kịch này, hướng các thế hệ nghệ sĩ trẻ vào xu hướng kịch văn học với những vở diễn có nội dung sâu sắc, thay vì chỉ diễn những câu chuyện hài nhố nhăng.

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/chung-tay-phat-trien-the-loai-kich-van-hoc-20230908215320506.htm