Chung tay phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL vẫn đạt kết quả khả quan sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng trên cả nước.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại hội nghị chiều ngày 1/7/2024 (Hoàng Nam)

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại hội nghị chiều ngày 1/7/2024 (Hoàng Nam)

Vừa qua, tại Cà Mau đã diễn ra hội nghị điều phối vùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến dự và chủ trì hội nghị.

Thu nhập người dân tăng 1,6 lần

Theo Phó Thủ tướng, ĐBSCL là vùng đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây còn là vùng đầu tiên trong 6 vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch. Qua 2 năm thực hiện, mặc dù nền kinh tế trong nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng có kết quả khả quan.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của vùng đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng trên cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm; một số công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 2;....

Sạt lở bờ biển ở Cà Mau, ĐBSCL là địa phương đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu những năm gần đây (Hoàng Nam)

Sạt lở bờ biển ở Cà Mau, ĐBSCL là địa phương đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu những năm gần đây (Hoàng Nam)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn như: kinh tế tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững; hạ tầng còn yếu, thiếu nguồn lực để đầu tư; năng suất lao động đạt thấp; môi trường đầu tư kinh doanh một số địa phương chưa thực sự hấp dẫn; chất lượng giáo dục và đào tạo tuy được nâng lên nhưng chưa đồng đều;...

Bên những thành tựu đạt được, ĐBSCL hiện đối diện với nhiều thách thức, trong đó có sự xuất hiện các công trình thủy điện ở thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, giảm đáng kể lượng phù sa, cát, suy giảm nguồn lợi thủy sản. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của nhân dân.

Nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết

Tại hội nghị, ông Huỳnh Quốc Việt Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh này đang đối mặt với xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ngày càng nhanh, đang gặp khó khăn về nguồn nước ngọt, khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ các dự án trọng điểm. Cà Mau kiến nghị trước mắt Trung ương hỗ trợ tỉnh hơn 1.984 tỷ đồng khắc phục bờ biển, bờ sông với chiều dài khoảng 27km đang sạt lở đặc biệt nguy hiểm; cân đối nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh từ TP Cà Mau đi Đất Mũi do mặt đường nhỏ hẹp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nêu những khó khăn của tỉnh (Hoàng Nam)

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nêu những khó khăn của tỉnh (Hoàng Nam)

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, tỉnh vẫn đang gặp khó khăn, thách thức trước tình trạng sạt lở bờ biển đã và đang diễn ra càng nhiều, mức độ nghiêm trọng. Kiên Giang hiện có khoảng 122/200 km bờ biển bị sạt lở, trong đó đã đầu tư 82/122 km, còn 39 km chưa được đầu tư khép kín toàn tuyến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục ngàn ha sản xuất trong rừng phòng hộ ven biển và an toàn khu dân cư ven biển.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương sớm phê duyệt không gian biển cho các địa phương để tháo gỡ một số nội dung còn vướng trong phát triển kinh tế biển, mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đối với Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến hành lang ven biển có tính chất liên kết vùng.

Đối với Sóc Trăng, nguồn cát biển hiện rất phong phú, dồi dào nhưng để đưa vào san lấp dự án không thuộc cơ chế đặc thù thì chưa có quy định. "Trong khi đó, cát để san lấp thời gian tới ngoài dự án giao thông thì các dự án khác có nhu cầu rất lớn. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ nên có cơ chế, chính sách để khai thác cát biển phục vụ các dự án này" - ông Trần Văn Lâu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.

Cần chung tay chung sức

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Muốn phát triển tốt vùng ĐBSCL thì cần có sự chung tay, chung sức của các Bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương trong vùng."

Về các giải pháp trong thời gian tới đối với vùng ĐBSCL, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung cơ cấu ngành hàng kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành lĩnh vực thế mạnh, phải quản trị từ khâu vào đến khâu ra theo hướng sinh thái bền vững, gắn với sản phẩm trọng tâm của vùng, nhất là các mặt hàng, thủy sản, trái cây, lúa gạo. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là dự án điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ bờ biển; phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo. Ưu tiên đầu tư đẩy nhanh các dự án động lực, công trình trọng điểm có tính lan tỏa lớn, tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như: Dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cảng biển Trần Đề, Hòn Khoai,…

Theo Phó Thủ tướng, việc tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai, nước, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu được xem là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-tay-phat-trien-vung-dong-bang-song-cuu-long.html