Chung tay phục hồi rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn được ví như lá phổi xanh của các làng biển. Tuy nhiên, một thời rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển trong tỉnh bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều đơn vị đã chung tay trồng mới để phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh.

Cùng nhau trồng rừng

Chiều 18-6, các tình nguyện viên là cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nha Trang và các trường đại học trên địa bàn TP. Nha Trang… tiến hành trồng đước, phục hồi rừng ngập mặn tại hai địa điểm thuộc xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa). Tại đây, 7.000 cây đước được trồng trên diện tích khoảng 1ha bãi triều ven đầm Nha Phu, với hy vọng mai đây sẽ có thêm một khoảng rừng ngập mặn vươn mình xanh tươi.

Cũng trong chiều cùng ngày, tại khu vực ven sông Tắc (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), Trường Đại học Nha Trang và Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp trồng 5.000 cây đước trên diện tích 0,7ha ở các bãi bồi ven sông nhằm tạo cảnh quan bền vững cho khu vực ven sông Tắc.

Sinh viên Trường Đại học Nha Trang trồng đước phục hồi rừng ngập mặn ven sông Tắc

Hoạt động trên thuộc Dự án "Quản lý và phục hồi rừng ngập mặn phía bắc tỉnh Khánh Hòa - Hướng tới cảnh quan bền vững" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thúy Bình - Giảng viên cao cấp Viện Công nghệ sinh học và Môi trường (Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thúy Bình chia sẻ: “Hoạt động trồng đước, phục hồi rừng ngập mặn tại 2 xã Ninh Ích và Phước Đồng nằm trong những hoạt động chính của Dự án "Quản lý và phục hồi rừng ngập mặn phía bắc tỉnh Khánh Hòa - Hướng tới cảnh quan bền vững" được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Trường Đại học Nha Trang thực hiện. Trong khuôn khổ dự án, chúng tôi sẽ triển khai trồng mới 10ha rừng ngập mặn, quản lý bền vững 70ha rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển của huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và Nha Trang nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, dự án còn triển khai hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững cho 10 gia đình; khoảng 1.100 cư dân sinh sống ven rừng ngập mặn ở các địa phương sẽ được tập huấn kiến thức về phục hồi, quản lý bền vững rừng ngập mặn…”.

Cùng với hoạt động quản lý, phục hồi rừng ngập mặn do Trường Đại học Nha Trang triển khai, thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang cũng có nhiều hoạt động trồng, phục hồi rừng ngập mặn tại các khu vực trong vịnh Nha Trang, ven các sông trên địa bàn Nha Trang. Theo đó, trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023 vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Câu lạc bộ Vịnh đẹp Nha Trang tổ chức trồng mới 1,4ha đước tại khu vực Đầm Bấy và 0,6ha đước tại khu vực ven sông Tắc. Đầu tháng 7 tới, đơn vị sẽ tiếp tục trồng 0,5ha đước ven sông Cái đoạn qua phường Ngọc Hiệp (Nha Trang). Trước đó, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với Thành đoàn Nha Trang trồng mới 2ha rừng ngập mặn ở khu vực cửa sông Tắc, sông Quán Trường (xã Phước Đồng).

Theo ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, việc triển khai trồng rừng ngập mặn trong vịnh Nha Trang và các cửa sông đổ ra vịnh Nha Trang sẽ góp phần bổ sung, tái tạo, phục hồi, tăng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn Nha Trang. Hoạt động này còn có ý nghĩa tuyên truyền đến người dân, cộng đồng về nâng cao nhận thức bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang; góp phần tạo môi trường cảnh quan vịnh Nha Trang xanh, sạch, đẹp…

Góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển

Theo bà Bùi Thị Thùy Liên - Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, trước năm 2000, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã lên đến 180ha. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, khi phong trào nuôi tôm phát triển, người dân chặt phá, làm đìa nuôi tôm, diện tích rừng ngập mặn mất rất nhiều. Đến năm 2005, có 1 tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản triển khai dự án trồng lại 5ha rừng ngập mặn. Những năm sau đó, địa phương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trồng thêm được 10ha rừng ngập mặn. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã Ninh Ích có khoảng 40ha, nằm rải rác ven đầm Nha Phu, trong các ao đìa nuôi trồng thủy sản của người dân. “Điều đáng mừng là nhiều người dân địa phương đã thấy được hiệu quả của rừng ngập mặn đối với sinh kế của mình nên đã chung tay với chính quyền cơ sở, các đơn vị thực hiện việc bảo vệ, trồng phục hồi rừng ngập mặn ngay trên chính ao, đìa nuôi tôm, nuôi cá của mình. Chúng tôi hy vọng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn sẽ tiếp tục phục hồi, tạo nên lá chắn xanh cho các làng biển”, bà Liên nói.

Rừng ngập mặn vùng ven biển của tỉnh có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường, là lá phổi xanh điều hòa khí hậu, hấp thụ khí CO2; chắn sóng, gió, chống xói bờ biển. Bên cạnh đó, còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, cung cấp nguồn lợi thủy sản, là môi trường sống của nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển du lịch cộng đồng… Vì vậy, cần có những giải pháp để bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có; đồng thời phải đẩy mạnh việc trồng mới để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn bền vững.

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Những năm qua, hoạt động trồng cây, gây rừng phù hợp với quy hoạch, trong đó có trồng rừng ngập mặn được tỉnh phát động ở khắp các địa phương, qua đó đã nâng diện tích rừng tăng lên đáng kể. Việc các tổ chức, đơn vị tổ chức trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn sẽ góp phần vào việc bảo vệ hệ sinh thái ven biển của tỉnh, khôi phục lại môi trường sống của các loài thủy sản trong rừng ngập mặn, tạo thêm thu nhập cho cư dân ven biển”.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moi-truong-do-thi/202306/chung-tay-phuc-hoi-rung-ngap-man-2be1052/