Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Kỳ 2: Nâng cao nhận thức, ứng xử thân thiện với môi trường

Kỳ 2: Nâng cao nhận thức, ứng xử thân thiện với môi trường

Sau một năm rưỡi triển khai, có thể thấy tầm nhìn đúng đắn và tính tổng thể của Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Nhận thức của xã hội, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng và mọi tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến tích cực về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang.

Bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể

Những ngày cuối tháng 6, Trường THCS Võ Văn Ký (TP. Nha Trang) đã tổ chức hoạt động trồng cây đước ở vùng hạ lưu sông Tắc (chảy qua xã Phước Đồng). Từng cây đước nhỏ được các bạn học sinh trồng như thắp lên niềm tin về sự hồi sinh hệ sinh thái nơi nguồn nước đang tác động trực tiếp tới vịnh Nha Trang. Hoạt động này chính là việc cụ thể hóa chỉ đạo triển khai, lồng ghép, dạy tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục lối sống thân thiện, bảo vệ môi trường (BVMT) và tác hại, nguy cơ ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái vịnh Nha Trang của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang đối với các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố.

Các bạn trẻ trồng rừng ngập mặn ven vịnh Nha Trang.

Các bạn trẻ trồng rừng ngập mặn ven vịnh Nha Trang.

Những năm qua, thầy Phạm Vũ Thanh An - giáo viên Trường THCS Võ Văn Ký rất tâm huyết với nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh giáo dục BVMT từ thực tế. Thầy An chia sẻ: “Ngoài việc tích hợp các nội dung BVMT qua các bài giảng trong môn học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa BVMT biển như: Trồng rừng ngập mặn; phân loại rác thải tại nguồn; trải nghiệm tại làng đảo Bích Đầm (vịnh Nha Trang). Các hoạt động ngoại khóa trên đã giúp cho thầy cô giáo, học sinh hiểu rõ hơn tính cấp bách của việc giáo dục BVMT, nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với BVMT biển”.

Tại Bến tàu du lịch Nha Trang, chúng tôi cũng thấy những biện pháp BVMT đang được triển khai tích cực. Tại các khu vực ở bến tàu đều có bảng tuyên truyền bằng tiếng Việt, Anh, Trung Quốc… về việc không mang các sản phẩm nhựa dùng một lần qua bến tàu. Trong khuôn viên bến, có 10 bộ thùng rác, mỗi bộ chia thành 3 ngăn để du khách tự phân loại rác thải. Các hộ thuê ki-ốt kinh doanh tại bến tàu cũng không sử dụng, mua, bán các loại túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo ông Phạm Văn Hoài - Phó Trưởng phòng Quản lý bến tàu và dịch vụ, du lịch (Bến tàu du lịch Nha Trang), thời gian qua, ban thường xuyên phổ biến các quy định về BVMT bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền hướng dẫn trực tiếp, tuyên truyền trên bảng led, pa nô, qua hệ thống loa phát thanh tại bến tàu về các quy định của Luật BVMT năm 2020, phong trào chống rác thải nhựa...

Ông Nguyễn Thanh Vịnh (du khách đến từ TP. Hà Nội) chia sẻ, đây là lần thứ 3 ông cùng gia đình đi tour 3 đảo ở vịnh Nha Trang. So với những lần trước, ông thấy Nha Trang có nhiều thay đổi tích cực. Khi lên ca nô, du khách được nhân viên nhắc nhở không vứt rác thải xuống biển, bỏ các vật dụng sử dụng xong vào thùng rác trên ca nô. Đến Bãi Tranh, Hòn Tằm… lặn biển ngắm san hô, ông cảm nhận được hệ sinh thái dưới biển đẹp, trong lành và sạch hơn trước.

Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức

Theo ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về BVMT, đa dạng sinh học vịnh Nha Trang đến người dân, học sinh, sinh viên, du khách... bằng các hình thức phù hợp; ban hành Kế hoạch số 9149 ngày 3-11-2023 về hành động nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh và TP. Nha Trang đến năm 2030. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng dân cư ven biển thực hiện các phong trào: “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Bảo vệ hệ sinh thái biển và hải đảo”. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố đã tuyên truyền tin, bài về các biện pháp triển khai bảo tồn rạn san hô; lên án các hành vi đánh bắt, khai thác thủy sản trong Khu bảo tồn Hòn Mun; thả sinh vật biển tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn rùa biển...

Bắt sao biển gai ở Hòn Mun (vịnh Nha Trang).

Bắt sao biển gai ở Hòn Mun (vịnh Nha Trang).

Cùng với đó, UBND các xã, phường đã phổ biến các quy định và hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” thông qua các hoạt động như: Kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, tổ dân phố trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp; vận động, thuyết phục mọi người tham gia phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”. Đồng thời, đăng tải các tài liệu hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng phó với tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu... trên trang thông tin điện tử của địa phương, các nhóm Zalo do UBND phường, tổ dân phố quản lý để người dân dễ dàng tiếp cận.

Ông Lưu Thành Nhân cho biết: Hiện nay, UBND thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch về hành động nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh và TP. Nha Trang đến năm 2030. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng Đề án “Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP. Nha Trang giai đoạn 2024 - 2030”, qua đó đảm bảo các mục tiêu, 52 chỉ tiêu, 51 dự án của đề án đều được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân thành phố nắm bắt, hiểu rõ.

Sau một năm rưỡi triển khai Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, các đơn vị thuộc UBND TP. Nha Trang cùng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền và thu gom rác thải ven sông Quán Trường, ven biển phường Vĩnh Hòa, Tổ dân phố đảo Trí Nguyên, Hòn Mun với hơn 350 người tham gia, thu gom hơn 2 tấn rác để xử lý theo quy định; tuyên truyền về bảo tồn rùa biển và sinh cảnh rùa biển cho 250 đoàn viên, thanh niên; tổ chức hoạt động diễu hành đạp xe vì môi trường thu hút gần 400 người tham gia. Cùng với đó, vận động xã hội hóa thả tái tạo hơn 20.000 con cá giống các loại và hải sâm xuống vịnh Nha Trang; trồng hơn 3,1ha rừng ngập mặn (cây đước) ở đảo Đầm Bấy, bãi bồi ven sông Cái, sông Tắc.

THÁI THỊNH

Kỳ 1: Từng bước phục hồi rạn san hô

Kỳ 3: Xanh hóa những làng chài giữa biển

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nq09-vao-cuoc-song/202409/chung-tay-phuc-hoi-vinh-nha-trang-ky-2-nang-cao-nhan-thucung-xu-than-thien-voi-moi-truong-bd03dc8/