Chung tay thúc đẩy phân loại rác tại nguồn

Mỗi đoàn viên thanh niên thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ mang ý nghĩa rất lớn và thiết thực, góp phần chung tay bảo vệ môi trường đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ tại Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho đoàn viên thanh niên Bắc Giang.

Sáng 28/9, tại Trung tâm Hội nghị huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho 150 đoàn viên thanh niên huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Tại Hội nghị, các bạn đoàn viên thanh niên được chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như hiện trạng và chính sách quản lý rác thải sinh hoạt, kinh nghiệm và giải pháp giảm rác từ quốc tế tới Việt Nam, lộ trình phân loại rác tại nguồn của Bắc Giang.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ, những năm qua, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ khó khăn, thách thức ở hầu hết các tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có Bắc Giang.

Nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Như Ý.

Nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Như Ý.

“Qua thống kê, Bắc Giang có gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt, đa số phần chưa được phân loại, việc thu gom xử lý gặp nhiều khó khăn. Đây là câu chuyện cực kỳ nan giải không chỉ của Bắc Giang mà ở hầu hết các địa phương, nhất là các tỉnh đang đô thị hóa mạnh”, ông Sưởng nói và cho biết thêm, điều này gây mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, tác động lâu dài đến sức khỏe con người.

Nhà báo Phùng Công Sưởng lấy ví dụ, nghiên cứu cho thấy, một cục pin thải ra môi trường có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm. “Mỗi gia đình đều sử dụng pin, mỗi ngày trên cả nước có thể có đến hàng nghìn, hàng vạn quả pin ra môi trường, hậu quả để lại là vô cùng to lớn nếu không được thu gom, xử lý đúng cách”, ông Sưởng nói.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong chia sẻ thêm, là cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và phân loại rác nói riêng.

Báo Tiền Phong trao tặng Tỉnh đoàn Bắc Giang 24 thùng rác để thí điểm phân loại tại nguồn theo quy định mới.

Báo Tiền Phong trao tặng Tỉnh đoàn Bắc Giang 24 thùng rác để thí điểm phân loại tại nguồn theo quy định mới.

Thời gian qua, Báo tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như hoạt động làm sạch bờ biển trong khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong tại Phú Yên, phát động trồng rừng ngập mặn trong khuôn khổ giải Vô địch Golf Quốc gia tại Hải Phòng, trồng rừng ngập mặn tại Nam Định trong khuôn khổ Siêu cúp Bóng đá Việt Nam, Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Hôm nay, với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động phân loại rác tại nguồn tại Bắc Giang, Báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức Hội nghị Tập huấn phân loại rác tại nguồn cho các bạn đoàn viên, thanh niên.

“Chúng tôi hy vọng, Hội nghị sẽ giúp các bạn ngồi đây trang bị và cập nhật những quy định mới nhất, nắm được kỹ năng phân loại rác tại nguồn, từ đó giúp lan tỏa hành động phân loại rác tại nguồn trong gia đình và cộng đồng”, nhà báo Phùng Công Sưởng bày tỏ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Theo quy định Luật Bảo vệ Môi trường, chậm nhất ngày 31/12/2024, các địa phương chính thức thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Tại Bắc Giang, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56 về việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở đô thị đạt 90%, ở xã đạt đạt 70%.

Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng, việc phân loại rác tại nguồn mang lại những lợi ích hết sức lớn lao như giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Từ đó, giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường.

Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khỏe con người.

Tại lễ phát động, Báo Tiền Phong đã trao tặng Tỉnh đoàn Bắc Giang 24 thùng rác nhằm thí điểm thực hiện phân loại tại nguồn theo quy định mới.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chung-tay-thuc-day-phan-loai-rac-tai-nguon-post1677284.tpo