Chung tay thực hiện tiêu chí môi trường

Huy động các nguồn lực thực hiện tốt tiêu chí (TC) môi trường là cách các địa phương đang thực hiện, góp phần nâng cao ý thức người dân, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và nâng chất các TC xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.Tân An phối hợp Hội Nông dân Việt Nam TP.Tân An thành lập mô hình Ủ rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ tại hộ gia đình hội viên

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.Tân An phối hợp Hội Nông dân Việt Nam TP.Tân An thành lập mô hình Ủ rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ tại hộ gia đình hội viên

“Hô biến” rác sinh hoạt thành phân hữu cơ

Nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường; đồng thời, tận dụng rác sinh hoạt để ủ phân hữu cơ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.Tân An phối hợp Hội Nông dân Việt Nam TP.Tân An chọn xã An Vĩnh Ngãi làm điểm thực hiện mô hình Ủ rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ tại hộ gia đình hội viên. Các hội viên được tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ; cách ủ rác sinh hoạt thành phân hữu cơ; tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường,... Đồng thời, Hội còn tặng 30 thùng phuy nhựa ủ phân hữu cơ, chế phẩm sinh học cho các hội viên tham gia mô hình.

Bà Cao Kim Hoa (xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An) cho biết: “Quy trình ủ rác sinh hoạt thành phân hữu cơ rất đơn giản. Đầu tiên, tôi sẽ phân loại rác như lá cây, thức ăn thừa, rau, cỏ, trái cây hư,... sau đó, cho vào thùng phuy nhựa có nắp đậy trộn với chế phẩm sinh học; ủ khoảng 30-45 ngày, lớp rác thải bên dưới sẽ được phân hủy hình thành phân hữu cơ mịn, tơi xốp, có màu đen và không mùi. Phân hữu cơ này có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc phơi khô, cán nhỏ dự trữ trong bao bì để bón cho cây trồng lâu dài”.

Theo các ngành chuyên môn, chất thải rắn nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng là những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, rác sẽ là nguồn tài nguyên nếu được phân loại hiệu quả. Do đó, công tác phân loại rác thải tại nguồn và ủ rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ là giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp các địa phương nâng chất TC môi trường trong xã NTM, NTM nâng cao.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.Tân An - Huỳnh Thị Diễm Lệ cho biết: “Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng mô hình Ủ rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ tại hộ gia đình hội viên đến các xã như Nhơn Thạnh Trung, Hướng Thọ Phú,... Phấn đấu đến năm 2024, TP.Tân An có 100% hộ gia đình phân loại rác thải tại nguồn”.

Xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Châu Thành - Đoàn Văn Được chia sẻ: “Thực hiện phong trào CCB tham gia xây dựng NTM, năm 2022, Hội CCB huyện tham gia vận động thực hiện 2 mô hình: Ánh sáng an ninh, trật tự và Cảnh quan môi trường. Cụ thể, mô hình Ánh sáng an ninh, trật tự, Hội vận động thực hiện trên 140 tuyến đường với chiều dài trên 177km, tổng kinh phí xây dựng trên 2 tỉ đồng, trong đó, hội viên, CCB đóng góp trên 500 triệu đồng. Đối với mô hình Cảnh quan môi trường, Hội CCB thành lập trên 85 câu lạc bộ (CLB) Cảnh quan môi trường tại các ấp và 1 CLB Cảnh quan môi trường ở huyện. Các CLB Cảnh quan môi trường có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt TC môi trường, thường xuyên ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa trên các tuyến đường”.

Ông Trương Văn Tam - cựu chiến binh xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành (bìa phải), tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Ông Trương Văn Tam - cựu chiến binh xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành (bìa phải), tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Sau khi xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường, ông Trương Văn Tam (CCB xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) không chỉ ra sức thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ông hiến trên 1.000m2 đất làm đường giao thông và vận động người dân xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ông Tam bộc bạch: “Xã hội phát triển, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ngày càng cao. Vì vậy, tôi tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng NTM”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tỉnh có 120/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 74,5%, trong đó, có 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Để đạt kết quả này, tỉnh huy động tốt các nguồn lực tham gia xây dựng NTM, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chung-tay-thuc-hien-tieu-chi-moi-truong-a157879.html