Chung tay tìm giải pháp, hỗ trợ người tự kỷ có tương lai

Xây dựng chính sách an sinh xã hội bảo đảm quyền của người khuyết tật tự kỷ còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập. Trẻ tự kỷ được công nhận là một dạng khuyết tật, nhưng hiện nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi và sự hỗ trợ cần thiết từ nhà nước.

Trẻ tự kỷ biểu diễn trước khi diễn ra tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" tại Báo Nhân Dân. (Ảnh: nhandan.vn)

Trẻ tự kỷ biểu diễn trước khi diễn ra tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" tại Báo Nhân Dân. (Ảnh: nhandan.vn)

Tại buổi tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" do Ban Chuyên đề Báo Nhân Dân tổ chức, hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4), các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, y tế và tâm lý học, các Trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ đã đưa ra những giải pháp cùng kiến nghị với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ.

Phân định rõ chính sách trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội

Nhiều năm làm công tác quản lý, tư vấn chính sách trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phân tích, chúng ta có nhiều cải thiện về chính sách an sinh xã hội nhưng chính sách này vẫn gắn với các đối tượng yếu thế, chủ yếu gắn với các hộ nghèo, cận nghèo, khu vực khó khăn về kinh tế-xã hội, gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà chưa gắn nhiều với đối tượng trẻ em.

Cùng đó, các trợ giúp xã hội chủ yếu vẫn giúp ở ngưỡng thấp để họ có mức sống không quá khó khăn. Còn nếu là trợ cấp xã hội thì phải bảo đảm cho họ có mức sống ít nhất phải ở mức trung bình. Do đó, đến lúc cần phải phân định rõ chính sách an sinh xã hội về trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội, điều này trong chính sách chưa quy định rõ.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Ông Nam cho biết, về vấn đề trợ giúp xã hội thì một số địa phương đã làm được điều này và đã nâng mức trợ giúp đối với trẻ em. Hy vọng rằng các đối tượng trẻ em mắc khuyết tật phổ tự kỷ cũng sẽ được mở rộng trợ cấp, trợ giúp ở mức bao quát hơn.

Người tự kỷ đang gặp phải một số khó khăn để hưởng chính sách người khuyết tật là giám định y khoa. Ông Nam chỉ ra khó khăn ở đây là xác định mức độ khuyết tật phổ tự kỷ, từ đó mới có chính sách hỗ trợ phù hợp cho trẻ và gia đình. “Chúng ta có thông tư, nghị định, quy định chi tiết cho Luật Người khuyết tật 2010, nhưng lại chưa có các quy định về mức độ, dạng khuyết tật cho trẻ tự kỷ” - ông Nam nêu vấn đề.

Theo ông Nam, đánh giá các mức độ khuyết tật cho trẻ tự kỷ hầu như không thể chỉ đánh giá bằng một số trắc nghiệm, bài kiểm tra trong 1-2 giờ là đã kết luận được ngay. Các hội đồng y khoa cấp xã, phường hầu như không thể đánh giá được đối với trẻ tự kỷ. Cha mẹ muốn làm chính sách khuyết tật cho con lại phải lên cấp tỉnh, thành phố để giám định. Chính vì thế, cần cải thiện ngay khâu giám định y khoa, từ đó mới xác định được chính sách.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho trẻ tự kỷ

Trước thực tế số trẻ tự kỷ có thể học hòa nhập trong các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là các trường cấp 2, cấp 3 còn rất ít, ở góc độ nhà quản lý, tham mưu chính sách, Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Trẻ em rối loạn phổ tự kỷ là trẻ em khuyết tật. Đây là vấn đề liên quan chặt chẽ tới chính sách dành cho các em. Tuy nhiên, việc xác định này cần có sự vào cuộc của các cơ quan y tế có thẩm quyền.

Sắp tới đây, sẽ tiếp tục tư duy để tham mưu, bổ sung nội dung học nghề vào chương trình đào tạo để các em tự kỷ có thể tự kiếm sống được trong tương lai.

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trong Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định rất rõ 3 phương thức giáo dục dành cho trẻ khuyết tật nói chung, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, bao gồm: Giáo dục chuyên biệt, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục hòa nhập, trong đó, phương thức giáo dục hòa nhập vẫn được quan tâm nhất.

Ông Trí cho biết, hiện nay, cần phải quan tâm tới việc phân loại các em vào từng phương thức nào cho phù hợp nhất. Gần đây, đơn vị đã tham mưu để thành lập các trường, lớp riêng dành cho từng nhóm đối tượng. Sắp tới đây, sẽ tiếp tục tư duy để tham mưu, bổ sung nội dung học nghề vào chương trình đào tạo để các em tự kỷ có thể tự kiếm sống được trong tương lai.

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: nhandan.vn)

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: nhandan.vn)

Là cơ quan chức năng có vai trò quan trọng trong tư vấn và xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, trong đó có trẻ tự kỷ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng, đại diện Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, để hỗ trợ trẻ em mắc chứng rối loạn tự kỷ, ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện và tham mưu chính sách, pháp luật về trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ. Nâng cao hoạt động truyền thông, nhận thức xã hội, đặc biệt đối với cha mẹ trong việc phát hiện và can thiệp sớm. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho cha mẹ và đội ngũ cán bộ y tế. Hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp trẻ em tự kỷ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Về hướng nghiệp đối với trẻ em tự kỷ, bà Hồng cho biết, hiện rất khó khăn trong xây dựng mô hình hiệu quả để nhân rộng. Ngoài ra, nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế cũng không có nhiều lựa chọn để hỗ trợ con em. Trong năm 2025, Bộ Y tế mong muốn nhận được góp ý từ các chuyên gia, phụ huynh để tổng kết, đề xuất thực hiện các chính sách, đề án trong thời gian tới để hỗ trợ tốt hơn đối với trẻ em tự kỷ.

Mở rộng các dịch vụ, hướng nghiệp, tuyển dụng người tự kỷ làm việc

Từ góc độ của doanh nghiệp hỗ trợ cho người tự kỷ, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story Nguyễn Thị Thu luôn trăn trở tìm kiếm đầu ra cho những sản phẩm mà các bạn trẻ tự kỷ làm. Hiện tại, những sản phẩm handmade do các bạn tự kỷ làm ở trung tâm đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế và được đánh giá cao. Từ mô hình của mình, bà Thu hy vọng các doanh nghiệp có thể chung tay, chấp nhận người tự kỷ tham gia vào từng khâu sản xuất trong doanh nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story Nguyễn Thị Thu chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story Nguyễn Thị Thu chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Còn ở một trung tâm khác, với mong muốn xây dựng, mở rộng và phát triển trung tâm theo hướng hòa nhập-hướng nghiệp, để người tự kỷ có thể giúp đỡ lẫn nhau, phấn đấu sẽ có hơn 80% các em tự kỷ có thể lao động tự sống được bằng khả năng của mình và có thu nhập, ông Vũ Văn Chức - người sáng lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi, tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn liên kết được với các đơn vị để tổ chức các chương trình hướng nghiệp, có quỹ hướng nghiệp, giúp đỡ các em trong tương lai.

Trăn trở với số lượng người tự kỷ trưởng thành rất lớn, làm thế nào để người tự kỷ có thể tự nuôi sống mình khi bố mẹ già đi? Từ góc độ của một trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu chuyên sâu cho người tự kỷ, bà Phạm Lan, Giám đốc Trung tâm Giáo dục An Nguyên đề xuất nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ cho trẻ tự kỷ và người hỗ trợ chăm sóc trẻ tự kỷ để giảm bớt gánh nặng chi phí trong học tập, sinh sống, học nghề; xây dựng chương trình cụ thể về đào tạo nghề dành riêng cho người tự kỷ; đồng thời cần xây dựng các trung tâm chuyên biệt, giáo dục hòa nhập sát với nhu cầu của người tự kỷ trưởng thành; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, bệnh viện dưỡng lão dành cho người tự kỷ trưởng thành.

Bà Lan mong có thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực can thiệp trẻ tự kỷ được thành lập theo hình thức xã hội hóa và nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cùng đó, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng người tự kỷ vào làm việc.

Một số sản phẩm làm bằng tay của trẻ tự kỷ. (Ảnh: nhandan.vn)

Một số sản phẩm làm bằng tay của trẻ tự kỷ. (Ảnh: nhandan.vn)

Đồng tình với ý kiến này, ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng, người khuyết tật có một số khả năng đặc biệt mà người bình thường không có được. Vấn đề là chính sách của chúng ta như thế nào để khuyến khích trẻ phát triển các khả năng đặc biệt ấy để sau này tự lo được cuộc sống, có nghề nghiệp ổn định. Theo đó, cần phải có những trung tâm dịch vụ riêng cho trẻ tự kỷ, không chỉ là chăm sóc, trị liệu mà cả hướng nghiệp, và quan trọng hơn là giảm bớt gánh nặng cho các cha mẹ.

Đối với giáo dục, cần xây dựng trường học chuyên biệt hoặc lớp học hòa nhập với chương trình giáo dục được cá nhân hóa cho trẻ tự kỷ. Chú trọng đào tạo giáo viên chuyên biệt và nhân viên hỗ trợ cho các trường công lập cũng như triển khai đồng bộ các chương trình giáo dục hòa nhập trong toàn hệ thống giáo dục.

Theo các chuyên gia, để xây dựng tương lai cho trẻ tự kỷ cần có chính sách đầy đủ, chuyên biệt hơn. Trong đó, cần bổ sung trẻ tự kỷ vào nhóm khuyết tật phát triển trong Luật Người khuyết tật 2010 để bảo đảm trẻ tự kỷ được hưởng các quyền lợi cụ thể về giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Mở rộng phạm vi hỗ trợ của bảo hiểm y tế cho trẻ tự kỷ, bao gồm các dịch vụ trị liệu ngôn ngữ, hành vi và vật lý trị liệu.

Cần có các chương trình đào tạo cho các chuyên gia và người lao động trong lĩnh vực chăm sóc và hỗ trợ người tự kỷ. Đồng thời, đưa ra các chính sách hỗ trợ rõ ràng và đầy đủ hơn để giúp người bệnh và gia đình họ có được sự hỗ trợ tốt nhất.

Trong khi chờ các cơ quan nhà nước bổ sung và hoàn thiện chính sách đối với người tự kỷ, rất cần sự chung tay hành động của toàn xã hội và hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bệnh tự kỷ, có sự bao dung và giúp đỡ nhiều hơn với người tự kỷ, giúp họ hòa nhập cộng đồng và có một tương lai.

ĐỖ THOA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chung-tay-tim-giai-phap-ho-tro-nguoi-tu-ky-co-tuong-lai-post869460.html