Chuyện ở một ngôi trường đặc biệt
Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, số lượng trẻ em bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có chiều hướng gia tăng và khái niệm rối loạn phổ tự kỷ, trẻ tự kỷ đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Nhằm hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển và hòa nhập cộng đồng, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai được coi như mái ấm của nhiều trẻ 'đặc biệt'. Đến với trung tâm, trẻ tự kỷ đã được chăm sóc với đầy ắp tình yêu thương, với nhiều nỗ lực để các em sớm không còn 'đặc biệt' nữa.
Gắn bó với chuyên ngành giáo dục đặc biệt từ năm 2009, chị Trần Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai coi đây như là một cái “duyên” để mình theo đuổi nghề. Trước đây, chị Hằng nhận hỗ trợ, giúp đỡ một vài trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ tiến bộ. Qua những kiến thức học được, tìm hiểu được và nhất là qua tiếp xúc với một số trẻ tự kỷ, chị luôn đau đáu nỗi niềm về những đứa trẻ “đặc biệt” ấy, chị mong muốn được góp sức mình hỗ trợ nhiều hơn cho các em. Sau một thời gian ấp ủ, dành nhiều tâm huyết cho mong ước đó, đến năm 2018, chị Hằng quyết định xin giấy phép thành lập Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai với cơ sở đầu tiên đặt tại thành phố Phủ Lý. Trung tâm được xây dựng trên mô hình kết hợp giữa y tế và giáo dục. Tại đây, chương trình giáo dục được cá biệt hóa nhằm phù hợp với sự phát triển của trẻ... Qua một vài năm hoạt động, xuất phát từ nhu cầu gửi gắm con em của phụ huynh ở xa, cũng như để thuận tiện đi lại, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai đã thành lập 3 cơ sở tại thị xã Kim Bảng, thành phố Phủ Lý và huyện Thanh Liêm.
Càng đi sâu vào ngành giáo dục đặc biệt, chị Hằng càng thấy niềm đam mê, mong muốn được cống hiến với nghề... Đưa chúng tôi đi thăm từng lớp học tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai, cơ sở huyện Thanh Liêm (tổ dân phố Non, thị trấn Tân Thanh), chị Hằng vừa giới thiệu từng phòng học được trang bị đầy đủ dụng cụ để phục vụ việc học và sinh hoạt của học sinh; khu vận động được trang bị máy chạy, bàn nhảy có lò xo nhún giúp giải phóng bớt năng lượng, bình ổn hành vi của trẻ, đồ chơi vận động tinh, vận động thô, đồ chơi sáng tạo… Chị Trần Thu Hằng chia sẻ: Hiện nay, cơ sở này có khoảng 30 trẻ theo học. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng của trẻ, có những trẻ chỉ cần can thiệp theo giờ, cũng có những trẻ sẽ can thiệp hoàn toàn, học cố định tại đây. Theo đó, mỗi trẻ sẽ có giáo án riêng để phù hợp với mức độ rối loạn tự kỷ đã được đánh giá ngay từ khi nhận vào trung tâm và tùy vào mức độ phát triển, trẻ sẽ được phân chia kèm cặp 1 - 1 hay tham gia nhóm học tập với nhiều thành viên hơn. Đối với mỗi trẻ, nhóm trẻ, các cô giáo tổ chức nhiều hoạt động, như: tập thể dục, tô màu, chơi trò chơi… tạo ra không gian vừa học vừa chơi, giúp trẻ rèn luyện và hình thành kỹ năng.

Một giờ học kèm 1 - 1 của trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai, cơ sở huyện Thanh Liêm (tổ dân phố Non, thị trấn Tân Thanh).
Cũng theo chị Hằng, rối loạn phổ tự kỷ bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng, như: hành vi lặp đi lặp lại, không có khả năng giao tiếp, thiếu hụt kỹ năng đời sống xã hội. Khi ấy, trẻ sẽ có hành vi chống đối, vận động chậm chạp, thích chơi một mình… Thời điểm từ 16 tháng – 6 tuổi được coi là thời điểm vàng để can thiệp hiệu quả nhất đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Nếu không can thiệp sớm, khi trẻ 6 tuổi, hội chứng này sẽ trở thành một dạng khuyết tật, khiến trẻ khó có thể trở lại bình thường được. Trên con đường tìm lại sự phát triển của con, cần nhất vẫn là những bậc cha mẹ, bởi không ai hiểu con bằng chính cha mẹ mình. Nếu họ không dám thừa nhận tình trạng của con mình để can thiệp sớm sẽ khó để trẻ phục hồi và phát triển bình thường sau này. Theo đó, công tác tuyên truyền xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho cha mẹ có trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ nói riêng và các dạng tật nói chung là điều vô cùng quan trọng.
Ở các cơ sở của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai, các cô giáo sẽ chú trọng việc phát triển ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ tự kỷ qua hình ảnh, nếu trẻ muốn cha mẹ làm cho chúng một điều gì đó, trẻ sẽ mạnh dạn đề xuất bằng hình ảnh biểu thị cho hành động đó. Phương pháp này sẽ giúp trẻ chủ động, rõ ràng về hành vi, nhận thức và phát triển nhanh các chức năng, thậm chí có thể phát triển lời nói. Ngoài ra, trung tâm cũng sử dụng nhóm phương pháp dựa trên can thiệp hành vi, trị liệu cảm giác, trị liệu hoạt động, tập cho trẻ những kỹ năng sống thường ngày, như: ăn, uống, vệ sinh, vui chơi giải trí… Đặc biệt, phương pháp âm nhạc trị liệu có khả năng tác động giúp trẻ tự kỷ tăng sự tập trung chú ý, tăng nỗ lực giao tiếp, giảm căng thẳng và tăng khả năng nhận thức về cơ thể, giúp trẻ cải thiện hành vi xã hội và khả năng phối hợp vận động; phương pháp mỹ thuật trị liệu là công cụ giao tiếp của trẻ, giúp giảm bớt các rào cản về ngôn ngữ, giúp trẻ tự tin thể hiện bản thân và giao tiếp với thế giới xung quanh tốt hơn... Mỗi trang giáo án dành cho các em là sự đầu tư tỉ mỉ của các cô giáo nơi đây. Cứ thế, với tình yêu, sự tận tâm và kinh nghiệm, kỹ năng của đội ngũ giáo viên, tùy theo tình trạng, mức độ nhận thức mà có những em chỉ sau 1 – 2 tháng đã có những tiến bộ, còn lại phải mất từ 6 tháng -1 năm mới nhận thấy sự khác biệt rõ rệt sau can thiệp... Cô giáo Nguyễn Thị Hải cho biết: Các giáo viên của trung tâm luôn coi trẻ như con em của mình, tận tình đồng hành để trẻ sớm có thể hòa nhập cộng đồng.
Từ khi mới thành lập, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục chuyên biệt Ban Mai chỉ có 5 – 6 trẻ, đến nay, đã tiếp nhận, hỗ trợ phát triển cho gần 100 trẻ. Dù có vất vả, khó khăn, nhưng tập thể giáo viên, cán bộ tại trung tâm vẫn luôn đồng hành cùng những trẻ “đặc biệt” bằng cả tình yêu thương, giúp các em vơi bớt thiệt thòi, có cơ hội sớm hòa nhập với cộng đồng.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/chuyen-o-mot-ngoi-truong-dac-biet-155837.html