Chung tay vì một môi trường không rác thải

Với thông điệp 'Hãy cho mình ăn rác thải nhựa, đừng thải rác xuống đại dương', đoàn viên, thanh niên Trường THPT Cần Giuộc (ấp Hòa Thuận 1, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) thực hiện mô hình Cá tre ăn rác thải nhựa góp phần phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường.

Mô hình “Cá tre ăn rác thải nhựa” góp phần loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường

Mô hình “Cá tre ăn rác thải nhựa” góp phần loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường

Cá tre có chiều dài 5m, cao 2m, có khả năng “ăn” hơn 500 vỏ chai nhựa. Đây là ý tưởng của Đoàn Thanh niên và Câu lạc bộ Học sinh tình nguyện Trường THPT Cần Giuộc. Theo Bí thư Đoàn Trường THPT Cần Giuộc - Phạm Lê Giang Dũng, chú cá khổng lồ này do hơn 20 học sinh của trường làm trong vòng 2 tuần. Ngoài nguyên liệu chủ yếu là tre, lưới nhựa, các bạn trẻ còn tận dụng những vật liệu không còn sử dụng như nắp chai, băng rôn cũ thiết kế thành con cá trông rất ngộ nghĩnh. Cá được đặt trong khuôn viên nhà trường, rất thuận tiện để học sinh “cho ăn”.

Hơn 3 tuần triển khai, mô hình Cá tre ăn rác thải nhựa làm thay đổi đáng kể nhận thức của học sinh về tác hại của rác thải nhựa. Đồng thời, phát đi thông điệp kêu gọi giới trẻ hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Phương Ngọc - HS Trường THPT Cần Giuộc, chia sẻ: “Mỗi khi có vỏ chai nhựa, lon nhựa, hộp nhựa đựng thức ăn,… em đều cho chú cá trong trường ăn.

Em nghĩ, Đoàn trường cần bố trí thêm 1 chú cá dễ thương nữa để thuận tiện cho chúng em chăm sóc, tránh tình trạng thức ăn (chai nhựa, lon nhựa) dư thừa, rơi vãi trên sân trường”.

Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, tuổi trẻ Cần Giuộc có những cách làm hay góp phần bảo vệ môi trường: Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường; nhóm tình nguyện vì không rác thải nhựa;… Theo Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú, mô hình Cá tre ăn rác thải nhựa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, hành vi sử dụng rác thải nhựa của con người, nhất là giới trẻ. Từ hiệu quả mô hình này mang lại, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn có thể nhân rộng, dần thay thế khung tre thành khung sắt nhằm kéo dài tuổi thọ của mô hình, góp phần bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng xã nông thôn mới, đô thị văn minh./.

Sông Măng

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/chung-tay-vi-mot-moi-truong-khong-rac-thai-a80839.html