Chung tay vì một thế giới không còn bệnh Glôcôm
Tuần lễ bệnh Glôcôm (tăng nhãn áp) thế giới năm nay bắt đầu từ 10/3 đến 16/3 với chủ đề 'Đoàn kết vì một thế giới không có bệnh Glôcôm', tập trung vào việc khuyến khích cộng đồng trên toàn thế giới cùng nhau chiến đấu chống lại mù lòa do bệnh Glôcôm gây ra.
Hưởng ứng Tuần lễ Bệnh Glôcôm thế giới, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa đã tăng cường hoạt động tư vấn và nâng cao kiến thức cộng đồng về cách phòng tránh và điều trị bệnh này với thông điệp “Chung tay hưởng ứng - phòng ngừa Glôcôm” nhằm mục đích cảnh báo mọi người nên khám chuyên khoa mắt và thần kinh thị giác thường xuyên để phát hiện bệnh Glôcôm càng sớm càng tốt và được điều trị kịp thời giúp bảo vệ thị lực cho đôi mắt, giảm nguy cơ mù lòa về sau.
Theo thống kê của các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa mắt, hiện nay, đa phần bệnh nhân mắc Glôcôm đến khám ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã tiến triển nặng, tổn thương thị giác. Hiện nay, điều trị Glôcôm có nhiều phương pháp: dùng thuốc, laser, phẫu thuật. Tuy nhiên, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện và sự tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân. Việc điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác, giữ được thị giác hiện có và khắc phục các triệu chứng của bệnh.
Tổn thương thị giác trong bệnh Glôcôm là tổn thương vĩnh viễn ko hồi phục. Bởi vậy, việc tầm soát, khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám mắt định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần. Những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm thì cần khám định kỳ từ 3 – 6 tháng 1 lần.
Các bác sĩ cho biết, những người có nguy cơ cao bị bệnh Glôcôm bao gồm: người trên 35 tuổi; người có quan hệ ruột thịt với người bệnh Glôcôm; người bệnh có tiền sử dùng corticoid kéo dài; người có bệnh đái tháo đường, cao huyết áp.
Các bác sĩ cũng lưu ý, Glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người mắc Glôcôm cần được theo dõi chặt chẽ từ khi phát hiện bệnh, điều trị cho đến hết quãng đời còn lại, nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Trong nhiều trường hợp, dù được phát hiện và điều trị kịp thời, nhưng người bệnh cho rằng đã khỏi hẳn nên không tái khám, nên không biết rằng bệnh vẫn âm ỉ và tiếp tục tiến triển, dẫn đến mất dần thị giác.
Triệu chứng điển hình của Glôcôm cơn cấp là đột nhiên người bệnh thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên kèm theo các triệu chứng: Bệnh nhân nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rửa mắt.
Để sớm nhận diện triệu chứng của bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị các triệu chứng dưới đây thì nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám, điều trị:
- Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua: Một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt.
- Mờ mắt thoáng qua: Xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh Glôcôm.
- Nhìn thấy quầng xanh đỏ: Khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lặp đi lặp lại.
- Nhức đầu: Nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt thì cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa.
Glôcôm là một bệnh nguy hiểm và phức tạp trong nhãn khoa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glôcôm là nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa sau đục thủy tinh thể và là nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục. Không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do Glôcôm gây ra. Do đó, việc tầm soát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng.