Chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp

Chiều 24-3, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về 'Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội', Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh giải pháp tạo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, có trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn, hiệu quả và không tham nhũng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp vừa tách bạch, vừa hòa quyện

Sau một ngày làm việc tập trung, lắng nghe 26 ý kiến phát biểu tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và có chất lượng. Thủ tướng khẳng định, sau 35 năm đổi mới, DNNN đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, vào những thành quả to lớn của đất nước. Năm 2021 và những năm gần đây, đất nước phải vượt qua nhiều khó khăn, khối DNNN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, có những đóng góp quan trọng vào ngân sách, thực hiện sứ mệnh triển khai những việc khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI không làm được, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, liên quan đến an ninh - quốc phòng. Đây cũng là khối doanh nghiệp sử dụng lao động chiếm tỷ trọng lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng tình, chia sẻ với những tâm tư, trăn trở tại hội nghị. “Ai cũng thuộc làu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhưng cũng cần trăn trở làm thế nào để doanh nghiệp thực hiện được sứ mệnh này”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị quản lý phải tạo ra môi trường, không gian, hệ sinh thái doanh nghiệp phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, phù hợp với điều kiện đất nước qua các thời kỳ với tư duy, tầm nhìn, cách tiếp cận linh hoạt, hài hòa, hợp lý, tránh cứng nhắc. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia vào phát triển đất nước, không thấy việc dễ thì làm, việc khó thì bỏ.

“Quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp tách bạch và hòa quyện. Tách bạch là Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý, còn doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển sản xuất - kinh doanh. Hòa quyện là Nhà nước tạo ra không gian, hệ sinh thái, môi trường phù hợp để khuyến khích, tạo ra động lực phát triển cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tích cực, chủ động, tiếp tục hòa quyện với Nhà nước, thúc đẩy hệ sinh thái tốt hơn, cho đóng góp tốt hơn”, Thủ tướng Chính phủ phân tích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Để những “quả đấm thép” tạo đột phá

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu trong những năm tới đây với các DNNN là vừa kế thừa, phát huy kết quả đã làm được, vừa tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững. Một số doanh nghiệp được mệnh danh là “quả đấm thép” phải tạo ra đột phá; đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động…

DNNN phải góp phần đắc lực vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ; góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và văn hóa doanh nghiệp; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ, công nhân viên…

Đồng tình với nhóm giải pháp nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN, huy động tối đa nguồn lực doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thêm đến giải pháp chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, có trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn, hiệu quả và không tham nhũng.

Theo Thủ tướng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của DNNN trong xây dựng nền kinh tế nhà nước, nền kinh tế độc lập, tự chủ; tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, tính tự chủ, chủ động của doanh nghiệp; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng thương hiệu và công tác truyền thông; tập trung giải quyết những tồn đọng kéo dài trong các doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo và dự thảo nghị quyết để Chính phủ ban hành nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của DNNN trong những năm tới đây.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/1027789/chung-tay-xay-dung-he-sinh-thai-phat-trien-doanh-nghiep