Chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp

Cùng với việc xây dựng công viên, hoa viên, nhân rộng cây xanh, Bình Dương đã quan tâm và đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường (BVMT) để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Thông qua việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực BVMT.

Xe chuyên dụng thu gom rác thải sinh hoạt đã phân loại tại nguồn trên địa bàn TP.Dĩ An

Xe chuyên dụng thu gom rác thải sinh hoạt đã phân loại tại nguồn trên địa bàn TP.Dĩ An

Nâng cao ý thức cộng đồng

Để góp phần lan tỏa ý thức BVMT đến mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới khang trang sạch đẹp, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng, lựa chọn các nội dung, mô hình BVMT phù hợp với tình hình thực tế, có ý nghĩa thiết thực. Các chương trình phát động tổng vệ sinh, ra quân làm sạch môi trường như ngày chủ nhật xanh, thứ bảy tình nguyện, đổi rác thải lấy quà tặng, thu gom phế liệu gây quỹ tình thương, khu phố không rác... đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các hoạt động vớt rác, lục bình trên các kênh rạch, sông suối, khơi thông dòng chảy đã góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Là một trong những địa phương thực hiện tốt mô hình khu phố không rác, từ năm 2019 đến nay khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TP.Thuận An liên tục giữ vững danh hiệu. Sáng ngày 14-8, chúng tôi có mặt từ rất sớm tại tuyến đường rạch Vàm Búng, đoạn từ trường Mầm non Hoa Mai 1 đến cầu Bà Hai chứng kiến không khí nhộn nhịp của cán bộ, người dân khu phố Thạnh Hòa A đang tích cực ra quân dọn dẹp vệ sinh và thực hiện tuyến đường hoa.

Theo bà Lê Thị Thảo, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Điều hành khu phố Thạnh Hòa A, để thực hiện mô hình khu phố không rác, phường An Thạnh đã thành lập câu lạc bộ khu phố không rác nhằm thực hiện các hoạt động BVMT cũng như vận động, tuyên truyền người dân hưởng ứng, tích cực tham gia. Từ khi thực hiện mô hình khu phố không rác, người dân có ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, 100% người dân khu phố đăng ký thu gom rác. Đến nay, khu phố thực hiện thêm tuyến đường hoa để cải thiện môi trường cũng như nâng cao ý thức người dân, tránh được tình trạng vứt rác bừa bãi trên tuyến rạch Vàm Búng.

Ông Huỳnh Văn Trung, người dân tổ 5, khu phố Thạnh Hòa A, cho biết: “Các hoạt động vệ sinh, giữ gìn môi trường sạch đẹp được người dân trong tổ dân phố duy trì thường xuyên. Cảnh quan môi trường khang trang, không khí trong lành người dân thụ hưởng đầu tiên nên mỗi chúng tôi đều ý thức cao trong việc vệ sinh môi trường xung quanh. Thấy rác là dọn dẹp, các trụ điện trước nhà dán quảng cáo không đúng quy định sẽ được người dân tháo gỡ”.

Ở tuổi 65, bà Lê Thị Hiệp, người dân khu phố Thạnh Hòa A là một trong những thành viên tích cực của câu lạc bộ khu phố không rác. Bà Hiệp tâm sự: “Để môi trường sạch, đẹp, bền vững, giữ vững danh hiệu khu phố không rác cần sự chung tay, đồng thuận của người dân. Tôi tham gia câu lạc bộ vì thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc BVMT tới sức khỏe, môi trường sống”.

Tối ưu hóa tài nguyên rác

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa là sự phát sinh nhiều chất thải rắn sinh hoạt. Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh cũng đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Bến Cát.

Thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, từ năm 2018, TP.Dĩ An đã tiến hành thí điểm tại khu vực Trung tâm Hành chính và tuyến đường Nguyễn An Ninh thuộc khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An. Năm 2021, phường tiếp tục được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Chương trình Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện chương trình giảm thiểu rác thải trên địa bàn thành phố. Cùng với đó thực hiện chương trình thí điểm tại các khu dân cư Biconsi phường Tân Bình, khu nhà ở thương mại đường sắt (DA1) và khu đô thị thương mại - dịch vụ Sóng Thần. Qua triển khai thực hiện đã nâng cao nhận thức, thói quen phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng dân cư.

Ông Bùi Xuân Hà, Bí thư Chi bộ 3, khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An, chia sẻ: “Phường đã thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn gồm 800 hộ dân. Để thực hiện, mỗi khu vực được chia làm 3 tổ tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Đặc biệt, cấp ủy, các tổ trưởng, tổ phó tổ dân cư phải gương mẫu thực hiện sau đó mới lan tỏa tới người dân xung quanh. Từ khi được phổ biến, tuyên truyền đã hình thành thói quen trong nhân dân về phân loại, đổ rác đúng ngày”.

Tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ. Vì vậy, tỉnh đã ban hành kế hoạch hướng dẫn phân loại chất thải giai đoạn 2023-2025, bảo đảm việc phân loại rác nguồn được áp dụng thống nhất, rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vào năm 2025.

Theo ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, thông qua các mô hình gắn với hoạt động BVMT đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thời gian tới, để thực hiện tốt đề án, Thường trực Ban Chỉ đạo đề án tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh cơ chế, chính sách, kinh phí, nguồn lực cho huyện, thị, thành phố, cơ sở triển khai thực hiện; ban hành cẩm nang tuyên truyền, trang bị thùng rác thông minh và nhà vệ sinh trên địa bàn các địa phương; phối hợp khảo sát, vận động xây dựng các điểm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng tại các cây xăng trên các trục đường lớn trên địa bàn tỉnh.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chung-tay-xay-dung-moi-truong-xanh-sach-dep-a303530.html