Chung tay xây dựng nhà ở cho người có công

Thấm nhuần đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', những năm qua, cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, các địa phương trong tỉnh đã phát huy các nguồn lực để làm mới, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách. Từ đó, giúp các gia đình yên tâm chăm lo phát triển sản xuất để có cuộc sống ổn định hơn.

Nhằm đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, 5 năm qua, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và các nguồn khác, toàn tỉnh đã có trên 1.500 hộ được hỗ trợ kinh phí sửa chữa và làm mới nhà ở với số tiền 43,5 tỷ đồng.

Sơn Dương là điểm sáng trong công tác xã hội hóa làm nhà ở cho người có công. Với mục tiêu không để gia đình chính sách, người có công nào phải ở nhà tạm, những năm gần đây, huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện chính sách làm nhà ở cho người có công bằng hình thức xã hội hóa. Ngoài nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huyện đã tranh thủ các nguồn lực và kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà tình nghĩa. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã xây mới và sửa chữa 38 nhà ở cho người có công.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Bạn, nạn nhân chất độc da cam, thôn 8, Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) được hoàn thành năm 2019 từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Bạn, nạn nhân chất độc da cam, thôn 8, Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) được hoàn thành năm 2019 từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Không giấu được niềm vui, hạnh phúc khi có căn nhà mới, ông Nguyễn Văn Hậu, thương binh hạng 4/4, thôn Cây Vạng, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) chia sẻ, cuộc sống khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu từ trồng lúa, nuôi vịt, thu nhập bấp bênh nên cho dù căn nhà đã xuống cấp nhưng bao năm qua ông bà vẫn chưa có cơ hội để nâng cấp. Năm 2019, gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện cùng số tiền vay mượn và hàng trăm ngày công lao động của bà con trong thôn hỗ trợ để xây mới nhà ở. Ông rất phấn khởi, giờ đây gia đình ông không còn phải lo về chỗ ở, có thời gian tập trung trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên các cấp vào cuộc giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở, huy động các nguồn lực từ cộng đồng đã góp phần tích cực giúp nhiều hộ gia đình chính sách hiện thực hóa ước mơ có ngôi nhà ở kiên cố, chắc chắn. Chị Bùi Thị Thùy Vân, Bí thư Đoàn xã Thắng Quân (Yên Sơn) nói, việc huy động đoàn viên thanh niên tham gia giúp đỡ làm nhà ở cho người có công, gia đình chính sách luôn là một trong những việc làm cụ thể được Đoàn xã chú trọng. Hằng năm, Đoàn xã vận động trên 200 lượt đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ ngày công giúp các gia đình người có công trên địa bàn làm nhà. Từ việc tham gia vận chuyển vật liệu, đào móng nhà, san nền hay dọn dẹp, sửa lại mái nhà cho những hộ bị dột cũng giúp mỗi đoàn viên thấy đây là việc làm ý nghĩa. Qua đó, phần nào giúp các gia đình sớm hoàn thiện ngôi nhà mới, kiên cố hơn. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong đoàn viên, thanh niên.

Nhiều hộ gia đình chính sách, người có công, sau khi được hỗ trợ làm nhà đã vượt khó vươn lên, tập trung phát triển kinh tế, đời sống không ngừng được cải thiện, con cái được học hành đầy đủ. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào xã hội hóa các hoạt động chăm lo cho người có công, hộ gia đình chính sách, trong đó có việc hỗ trợ sửa chữa và làm nhà ở. Qua đó, nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn về vật chất, tinh thần cho đối tượng người có công với cách mạng.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chung-tay-xay-dung-nha-o-cho-nguoi-co-cong-134855.html