Tăng cường cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm
Tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam còn rất lớn, cần cơ chế khuyến khích hấp dẫn hơn thu hút doanh nghiệp, người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Nhiều kết quả nổi bật
Tại Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 diễn ra tại TP. Đà Nẵng sáng 19/9, ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, đáng chú ý, 60/63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2020 – 2025/2030 về Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình tiết kiệm điện toàn quốc đã đạt kết quả tỷ lệ tiết kiệm hơn 2% hàng năm trong giai đoạn 2020 – 2023; tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 7,47% năm 2017 xuống còn 6,25% năm 2022; tổ chức các cuộc thi, giải thưởng hiệu quả năng lượng…. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và tổ chức quản lý thực hiện 50 nhiệm vụ năm 2023 với tổng kinh phí 32 tỷ đồng và đang thực hiện 44 nhiệm vụ năm 2024 với tổng kinh phí 29 tỷ đồng.
Theo ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến thời điểm hiện tại, 5 Tổng Công ty điện lực đã ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện với 1,832 triệu khách hàng, tiềm năng tiết kiệm điện cam kết là 3,079 tỷ kWh.
“5 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiết kiệm điện toàn quốc đạt hơn 2.620 triệu kWh (tương đương với 2,38% lũy kế thương phẩm 5 tháng 2024). Điều này cho thấy, tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam còn rất lớn và hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu cam kết về tiết kiệm điện”, ông Trần Viết Nguyên thông tin.
Về hoạt động dịch chuyển phụ tải, 5 Tổng Công ty điện lực đã ký kết thỏa thuận tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyên phi thương mại (DR) với 23.374 khách hàng; ký thỏa thuận với 13.360 khách hàng sản xuất công nghiệp có sản lượng từ 1 triệu kWh/năm trở lên, cam kết sản xuất theo biểu đồ đã đăng ký và thực hiện dịch chuyển phụ tải điện ra khỏi giờ cao điểm của hệ thống điện. Tính đến tháng 6/2024, kết quả dịch chuyển phụ tải cao điểm chiều từ 13-15h là 800MW - 1.000MW; cao điểm đêm là 100 - 200MW.
Từ giai đoạn 2000 – 2023, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 14,03% xuống còn 6,15%; thực hiện 6 tháng năm 2024 giảm còn 6,03%.
Tại TP. Đà Nẵng, ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ – Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố được quán triệt, dần lan tỏa đến từng người dân, tổ dân phố, và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tiêu biểu như 2.113 tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; Tổ chức cuộc thi giáo dục môi trường và tiết kiệm năng lượng cho học sinh của 12 trường tiểu học; Tổ chức Giải thưởng “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Tiết kiệm điện trong nhân dân được đẩy mạnh bằng chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện”; Tổ chức 07 buổi tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, với khoảng 1.000 người tham dự.
Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm điện hấp dẫn hơn
Theo đại diện EVN, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, tiết kiệm điện nói riêng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN; sự vào cuộc tuyên truyền sâu rộng của các cơ quan thông tấn báo chí; nhất là sự quan tâm tham gia của các khách hàng. “Nhận thức của khách hàng sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm ngày càng tăng. Khách hàng, đặc biệt là hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi sang các thiết bị tiết kiệm điện, thực hành ‘Tiết kiệm điện thành thói quen’”, ông Trần Viết Nguyên cho hay.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong chương trình. Ông Trần Viết Nguyên cho rằng, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa đủ hấp dẫn, thiếu các ưu đãi như giảm thuế hoặc hỗ trợ vay vốn, thu xếp tài chính để đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nguồn vốn từ các ngân hàng cho các dự án hiệu quả năng lượng còn hạn chế, lãi suất chưa hấp dẫn, khiến doanh nghiệp ngại thực hiện các giải pháp tiết kiệm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, đặc biệt trong các ngành xi măng, thép, hóa chất, gạch gốm, dệt may, thực phẩm…. Nhiều doanh nghiệp còn chần chừ chưa sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm điện.
Đại diện EVN đề xuất, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính ban hành cơ chế khuyến khích để thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO; Hỗ trợ tài chính triển khai các chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện.
Ngoài ra, EVN còn kiến nghị cập nhật, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.; tăng cường thanh tra kiểm tra về tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; ban hành cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải; điều chỉnh giờ cao điểm và giá điện TOU.
Còn đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương cập nhật, ban hành danh sách cơ sở năng lượng trọng điểm hàng năm sớm hơn để các Sở Công Thương có cơ sở làm việc cũng như theo dõi, kiểm tra việc sử dụng năng lượng tại các đơn vị; Xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin danh sách các cơ sở dán nhãn năng lượng đến các địa phương; Có hướng dẫn các địa phương về thẩm quyền kiểm tra theo Quyết định Ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu quả suất không được xây dựng mới.