Chung tay xây dựng trường học an toàn, thân thiện
Thiếu trường, thiếu lớp học đang là một trong những nguyên nhân gây ra nguy cơ mất an toàn cho học sinh, nhất là học sinh vùng còn khó khăn; nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; biên giới, hải đảo. Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh.
Kết nối các nguồn lực
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy: Hiện có 33,6% số trường học trên cả nước đang thiếu phòng học. Cả nước có khoảng 584.732 phòng học các cấp mầm non, phổ thông, trong đó tỷ lệ phòng học thiếu kiên cố là 24,6%. Tỷ lệ thiết bị tại các cơ sở giáo dục mới chỉ đáp ứng khoảng 56,5% nhu cầu dạy học. Năm học 2019-2020, cả nước có khoảng 270.695 nhà/phòng vệ sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; tỷ lệ nhà/phòng vệ sinh không đạt chuẩn chiếm 30,6%.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, thực trạng nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước hiện vẫn còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất là do ngân sách nhà nước có hạn, cùng với ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 58% tổng số hộ nghèo cả nước, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em, học sinh nghèo vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, sách vở, đồ dùng học tập...
Nhằm giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh, ngày 11-1-2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 29 về việc “Kết nối nguồn nhân lực xã hội-Xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025”. Đây là kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019-2025.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: "Mục đích của kế hoạch là kết nối nguồn lực xã hội hướng tới xây dựng trường học an toàn, thân thiện, giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp, cơ sở vật chất theo tiêu chí quy định, tập trung vào một số nội dung, như: Triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh..."
Hơn cả những món quà
Kế hoạch số 29 của Bộ GD&ĐT cũng là một hợp phần quan trọng trong tổng thể Chương trình “Điều ước cho em” đang được Bộ GD&ĐT triển khai trên phạm vi cả nước. Thời gian qua, chương trình đã đến với học sinh, giáo viên nhiều trường học và địa bàn khó khăn. Được chính thức khởi động tại tỉnh Bắc Kạn từ những ngày cuối năm 2020, đến nay chương trình “Điều ước cho em” đã đến với 3 tỉnh khó khăn nhất thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Chỉ trong vòng một tháng kể từ ngày khởi động, hàng trăm chiếc áo ấm, hàng trăm đôi ủng, nhiều chiếc xe đạp, nhiều phần học bổng, phòng máy tính, những bếp ăn, sân trường, cổng trường được đầu tư sửa chữa và nhiều phần quà ý nghĩa được trao tặng, gửi đến học sinh, giáo viên, trường học tại các địa phương trên.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chương trình “Điều ước cho em” là chương trình ý nghĩa, đặc biệt đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình nhằm kết nối giữa các nhà trường, cá nhân có điều kiện tốt hơn với những trường, điểm trường và những nơi thầy cô, học sinh còn nhiều khó khăn. Thông qua chương trình, chia sẻ, hỗ trợ cho các trường, điểm trường, học sinh vùng khó khăn. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tin tưởng, chương trình sẽ tạo ra mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay để cùng phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Là một trong số trường được trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng từ Chương trình “Điều ước cho em”, bà Triệu Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cùng các thầy cô của nhà trường không giấu nổi niềm vui, sự xúc động: “Những phần quà ý nghĩa từ chương trình chắc chắn sẽ giúp cho điều kiện dạy, học của cô và trò nhà trường được tốt hơn”. Em Đinh Thảo Tiên-một trong số học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn được nhận quà từ chương trình chia sẻ: “Khoác chiếc áo ấm được tặng em rất vui và cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của mọi người”.
Chương trình “Điều ước cho em” và Kế hoạch số 29 của Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu mỗi năm có ít nhất 10 tỉnh được hỗ trợ để cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất, trường học thiết yếu phục vụ việc dạy và học. Rõ ràng, xây dựng trường học an toàn, thân thiện sẽ là một hành trình dài và chỉ có thể lan tỏa khi có sự đồng hành, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Do đó, việc huy động, kết nối nguồn lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp lớn và là trách nhiệm không chỉ của ngành GD&ĐT mà còn của toàn xã hội. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết: “Chúng tôi xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì vậy, Viettel sẽ tiếp tục đồng hành lâu dài cùng ngành GD&ĐT. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của chúng tôi với thế hệ tương lai”.