Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Bên cạnh nỗi đau do bệnh tật và những khiếm khuyết trên cơ thể, nạn nhân da cam còn mang cả nỗi đau bị tước đi niềm hy vọng về thế hệ tương lai. Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều hoạt động nhằm động viên, giúp đỡ hội viên vượt lên nỗi đau, ổn định cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có 2.629 hội viên nạn nhân chất độc da cam, trong đó, số người bị nhiễm trực tiếp là 1.859 hội viên. Bên cạnh những hội viên có cuộc sống ổn định, vẫn còn không ít hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, họ và con cháu đang hàng ngày, hàng giờ phải chống chọi với ốm đau, bệnh tật và nỗi đau dai dẳng do chất độc da cam gây ra. Gia đình ông Hồ Ngọc Quang, thôn 5, xã Tân Tiến (Yên Sơn) có 2 con bị mù bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam. Gia đình ông Phạm Quang Hiến, thôn 6, xã Trung Môn (Yên Sơn) có con gái bị thiểu năng trí tuệ, không đi lại được. Hay như gia đình ông Nguyễn Hồng Tuyệt, thôn 5 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) có 3 người con thì 2 người con bị tâm thần phân liệt, bản thân ông đau ốm thường xuyên nên mọi việc trong gia đình đều do người vợ gánh vác…

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Phan Thiết tặng quà ông Nguyễn Hữu Đại,tổ 9, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).

Chia sẻ những khó khăn với hội viên, từ năm 2015 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã xây dựng được quỹ với trên 14 tỷ đồng; 100% hội cấp cơ sở xây dựng được “Quỹ tự lập” với số tiền trên 980 triệu đồng. Từ số tiền quỹ đã giúp đỡ hàng nghìn lượt nạn nhân với các hình thức ngày càng đa dạng, mang tính bền vững. Hội đã hỗ trợ 263 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn làm mới, sửa chữa nhà ở với số tiền trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn cho hàng trăm lượt đối tượng với số tiền vay từ 10 đến 50 triệu đồng/người; tặng gần 50 nghìn lượt suất quà cho hội viên nhân dịp lễ, Tết; tặng 19 sổ tiết kiệm, 28 chiếc xe lăn; hỗ trợ 35 hội viên đi xông hơi, giải độc; đưa 13 nạn nhân thế hệ thứ 2 đi nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… Qua đó, góp phần giúp đỡ, động viên, khích lệ hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Phục viên trở về năm 1971, ông Nguyễn Đình Bảng, thôn Vĩnh Tiến, xã Tân Thanh (Sơn Dương) là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam dioxin 41%, hiện ông đã 75 tuổi nhưng chưa ngày nào ông cho phép mình nghỉ ngơi. Ông có 9 người con thì 2 người đã chết do di chứng da cam, 2 người bị ảnh hưởng hiện còn sống thì bị tâm thần phân liệt. Thương các con, vợ chồng ông luôn nỗ lực phát triển kinh tế, sống vui, sống khỏe, nuôi dạy các con. Trên diện tích đất vườn, vợ chồng ông trồng cây đinh lăng và nuôi ngỗng, năm 2018 ông còn tham gia dự án trồng cây chanh Nhật xuất khẩu. Năm 2014, ông được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa nhà ở, được Hội tư vấn giúp vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm công trình nước sạch phục vụ gia đình và tưới cây. Ông Bảng nói, ông luôn cố gắng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, phấn đấu là chỗ dựa cho con. Cũng nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Hội và chính quyền địa phương đã cho ông thêm nghị lực để chiến thắng bệnh tật.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của cộng đồng đã phần nào xoa dịu nỗi đau, tạo niềm hy vọng, cơ hội cho những gia đình có nạn nhân vươn lên trong cuộc sống. Nhiều phần quà, nhiều ngôi nhà đã được trao đến hộ hội viên từ kinh phí xã hội hóa. Tiêu biểu như Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ gia đình cán bộ, nhân viên của đơn vị có thân nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2015, đơn vị đã quyên góp được 70 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà mới, giúp đỡ thân nhân của Trung úy Trần Quý Chi, công tác tại Ban CHQS huyện Sơn Dương. Công an tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, Điện lực Tuyên Quang… cũng kêu gọi sự đóng góp từ cán bộ, công nhân viên để giúp đỡ, thăm hỏi, động viên kịp thời những trường hợp nạn nhân khó khăn vào các dịp lễ, Tết…

Theo ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, với tinh thần “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục củng cố tổ chức; huy động các tầng lớp nhân dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Từ đó, tạo chỗ dựa vững chắc và xây dựng tổ chức Hội trở thành “mái ấm” của các nạn nhân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chung-tay-xoa-diu-noi-dau-da-cam-135400.html