Chung tay xóa nhà tạm ở Quảng Nam

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, hàng nghìn ngôi nhà tại các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam đã được xây dựng, bàn giao, góp phần an cư, ổn định cuộc sống người dân.

An cư cho đồng bào

Gia đình anh Zơ Râm Đồng (dân tộc Cơ Tu) ở thôn A Pát, xã A Vương, huyện Tây Giang trước đây sống trong căn nhà tạm bợ.

Được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tiền theo chính sách của tỉnh Quảng Nam về xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình anh Đồng đã xây được ngôi nhà mới. Anh Zơ Râm Đồng vui mừng nói với chúng tôi: “Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, bà con hỗ trợ thêm ngày công để xây nhà. Cả gia đình tôi đều vui vì có nhà mới, từ nay chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế thôi”.

Không riêng gia đình anh Đồng, 20 hộ (trong tổng số 55 hộ nghèo) tại thôn A Pát cũng được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát. Có hộ được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, chăn nuôi, đời sống người dân phát triển từng ngày.

 Từ những nỗ lực xóa nhà tạm của tỉnh Quảng Nam, đồng bào các huyện miền núi của tỉnh đã được an cư.

Từ những nỗ lực xóa nhà tạm của tỉnh Quảng Nam, đồng bào các huyện miền núi của tỉnh đã được an cư.

Mùa đông năm nay, chị Hồ Thị Hạnh (người Ca Dong, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) được bàn giao nhà mới. Khó có thể tả hết niềm vui, hạnh phúc của gia đình chị.

Sau khi ly hôn, một mình chị nuôi 4 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, mẹ con phải ở trong ngôi nhà lợp tôn đã xuống cấp. Chị lên rừng bóc keo thuê để nuôi con, không có việc thì hái rau, kiếm củi.

Tháng 10-2024, chị Hồ Thị Hạnh được hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà theo quy định tại Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Nhiều đoàn, hội, bà con xóm làng đến giúp ngày công, chị Hạnh vay mượn thêm xây được căn nhà kiên cố. Chị Hạnh phấn khởi chia sẻ: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ mẹ con tôi có ngôi nhà mới đón Tết”.

Theo đồng chí Mạc Như Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là ổn định nhà ở, nhiều năm qua, địa phương đã dành phần lớn nguồn lực triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phòng, chống thiên tai hiệu quả.

Tính đến quý IV-2024, toàn huyện có 1.263 hộ được đề xuất xây mới, sửa chữa nhà với tổng kinh phí hơn 58 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Không chỉ Tây Giang mà nhiều địa phương ở Quảng Nam, đặc biệt các huyện miền núi, như: Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn... đang nỗ lực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm bảo đảm an cư cho đồng bào khó khăn.

Nhiều địa phương linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, xã hội hóa nguồn lực để “trợ lực” thêm cho mục tiêu an sinh xã hội, tạo sự lan tỏa phong trào hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn miền núi.

Lan tỏa từ cách làm hiệu quả

Bằng nhiều cách làm hiệu quả, đến nay, huyện Hiệp Đức là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Nam hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Xã Phước Gia có 340 hộ, đồng bào Ca Dong chiếm đến 87%, tỷ lệ hộ nghèo còn 14%. Tại đây, 33 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn là người Ca Dong đã được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch UBND xã Phước Gia, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương có sức lan tỏa rất lớn. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ xây mới 33 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tiêu chí “3 cứng” (cứng nền, cứng tường, cứng mái).

Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quan tâm giúp đỡ từng hộ dân làm nhà, sửa nhà. Một số nhà được xây dựng theo định hướng của xã với kết cấu chống bão. Khi có nhà mới, người dân rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất.

Để bảo đảm tiến độ và xây dựng nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát từng hộ, thiết kế các mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, phong tục, tập quán của bà con. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiến độ thi công, bảo đảm tính bền vững và an toàn.

Đến nay, huyện Hiệp Đức đã xây dựng xong 151 nhà ở tặng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 13 tỷ đồng.

Khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My được xây dựng và ổn định cuộc sống cho người dân sau vụ sạt lở năm 2020.

Khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My được xây dựng và ổn định cuộc sống cho người dân sau vụ sạt lở năm 2020.

Đại diện Ban chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo dự kiến, tổng nguồn vốn xây dựng, sửa chữa 10.456 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 là gần 537 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn ngân sách theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và Đề án 1245, dự kiến phải huy động xã hội hóa hơn 114 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết: Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc huy động nguồn lực, phương thức tổ chức đến xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan...

Đặc biệt, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương phải ưu tiên nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát; thành lập ban chỉ đạo cấp huyện do bí thư cấp ủy làm trưởng ban trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở từng địa phương.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chung-tay-xoa-nha-tam-o-quang-nam-810933