Chứng tích chiến tranh kỳ bí trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) không chỉ là công trình đại thủy nông lớn nhất Bắc Trung bộ mà còn là nơi lưu giữ chứng tích chiến tranh kỳ bí – con đường 22 huyền thoại và sân bay dã chiến Libi. Công trình nằm sâu dưới lòng hồ, là địa danh lịch sử bi hùng với hàng trăm liệt sĩ ngã xuống...

Ký ức bi tráng

Một ngày hè đầy nắng, chiếc thuyền máy rẽ sóng nước mênh mông đưa chúng tôi vào dâng hương Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi trên thuyền, tôi được ông Nguyễn Phi Công (SN 1964, quê ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, kể về chốn linh thiêng, bi tráng và hành trình hơn 12 năm đi tìm các mảnh ghép lịch sử, chứng tích dưới lòng hồ Kẻ Gỗ cùng danh tính những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

Toàn cảnh Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ sau khi hoàn thành tháng 4/2025.

Toàn cảnh Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ sau khi hoàn thành tháng 4/2025.

Ông Công kể, khi mới 9 tuổi, ông đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, ám ảnh ông suốt đời. Sau này ông mới biết đó là trận tập kích của địch vào đêm 7/1/1973 trong lòng hồ Kẻ Gỗ. “Đêm đó, sau loạt bom của địch dội xuống, vùng Cẩm Mỹ tan tác, cha tôi là cán bộ của ban trực chiến xã phải đi mượn từng chiếc hòm của người dân để chôn cất những người hy sinh. Họ được chôn cất tại nghĩa trang trong lòng hồ Kẻ Gỗ, nghĩa trang Đá Bạc (xã Cẩm Mỹ) và sau này được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên” - ông Công nhớ lại.

Theo ông Công, hồ Kẻ Gỗ bị đánh phá ác liệt bởi nơi đây có tuyến đường chiến lược 22 được Bộ Giao thông vận tải xây dựng cuối năm 1966 để chi viện chiến trường miền Nam và sân bay dã chiến Libi. Trong đó, tuyến đường 22 có chiều dài 65km, xuất phát từ ngã ba Thình Thình tại xã Nam Điền, huyện Thạch Hà đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ, chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh của Hà Tĩnh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành.

Trong quá trình mở đường, Bộ Quốc phòng đã chọn vùng Đá Bạc để xây dựng công trình quốc phòng 723, hay còn có tên gọi khác là sân bay dã chiến Libi - tên đặt theo một khe suối ở làng Đá Bạc. Công trình khởi công vào ngày 30/9/1972 với sự tham gia của 92 công nhân kiến trúc và 36 công nhân Xí nghiệp gạch Cẩm Thành. Hồ Kẻ Gỗ lúc bấy giờ chưa đắp đập, tích nước như bây giờ nên một phần tuyến đường 22 đi qua vùng lòng hồ.

Sân bay dã chiến Libi gắn với tuyến đường 22 được xác định là sân bay gần nhất để miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam. Đến đầu năm 1973, sân bay Libi cơ bản hoàn thành nhưng bị không quân Mỹ phát hiện. Đêm 7/1/1973, Mỹ ồ ạt dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt nhằm “xóa sổ” sân bay Libi.

Công trình này vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực nhưng chưa kịp xuất kích chuyến nào đã bị phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom. Không chỉ phá hủy căn cứ quân sự sân bay Libi, loạt bom dội của đế quốc Mỹ còn chôn vùi gần 100 cán bộ, nhân dân đang phá đá, mở đường tại đây. Trận chiến ác liệt đó khiến các chiến sĩ, thanh niên xung phong ngã xuống, xương cốt họ bị vùi lấp hoàn toàn trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Trong thời gian dài, chiến tích trong lòng hồ Kẻ Gỗ cùng với những liệt sĩ đã hy sinh gần như bị “lãng quên”, không có bất cứ sử sách nào ghi lại danh tính. Trong cuốn lịch sử ngành Giao thông Hà Tĩnh cũng chỉ có vẻn vẹn đôi dòng ngắn ngủi về sân bay Libi, về những trận bom ác liệt trên tuyến đường 22 khiến nhiều thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh.

Từ năm 1976, khi công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ được phát lệnh khởi công và 3 năm sau, hồ bắt đầu tích nước, mặt trận xưa cũng dần chìm vào lòng hồ. Là nhân chứng sống trong vụ ném bom năm xưa, ông Nguyễn Phi Công luôn đau đáu tâm nguyện trả lại tên cho các liệt sĩ và dựng lại chứng tích chiến tranh của sân bay Libi và tuyến đường 22 huyền thoại.

Lần tìm từng mảnh ghép

Hơn 12 năm qua, ông Nguyễn Phi Công luôn lặng thầm, bỏ công sức đi khắp nơi tìm sự thật về mất mát của trận chiến B52 tại sân bay giã chiến Libi. Từng là bộ đội đặc công trong thời bình nhưng ông Công thấu hiểu những mất mát trong chiến tranh. Giải ngũ trở về quê lập nghiệp từ năm 1983, hiện ông là Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ. Ông lần tìm khắp nơi trong lòng hồ Kẻ Gỗ về những chứng tích còn lại của trận chiến. Góp nhặt những mảnh đạn bom sót lại trên rừng, dưới lòng hồ với ý định lập bảo tàng chiến tranh trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Ông Nguyễn Phi Công với danh sách những người đã hy sinh.

Ông Nguyễn Phi Công với danh sách những người đã hy sinh.

Hễ nghe ai nói có nhân chứng lịch sử của trận chiến năm xưa, ông lập tức tìm đến tận nhà hỏi thăm. Trong làng xã hay ở tận Hà Nội, TPHCM, cứ nghe có người thân của các liệt sĩ, thanh niên xung phong hy sinh tại sân bay dã chiến Libi là ông tìm đến tận nhà để hỏi thăm. Năm 2010, trong một lần tham quan hồ Kẻ Gỗ, một đoàn cán bộ của Sở Giao thông vận tải TPHCM cùng nhau quyên góp được một khoản tiền nhỏ. Họ giao lại hết cho Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với mong muốn lập một điểm thờ cúng các anh hùng liệt sĩ ngay chính tại mặt trận năm xưa.

Năm 2011, tiền quyên góp chỉ đủ làm miếu tưởng niệm nhỏ chứ không có sân bãi, ông Công vay thêm 50 triệu đồng, thuê người và nhờ anh em cùng chung tay xây dựng thành sân bãi rộng rãi, khang trang. Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận ngôi miếu này là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đó trở đi, thân nhân, du khách, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm khu di tích lịch sử nhiều hơn. Đây cũng là cơ duyên để ông Công tìm hiểu được cặn kẽ về những liệt sĩ đã hy sinh ở trận địa này.

Sau những năm tháng dài lặng lẽ kiếm tìm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, đến nay, ông Công tạm thời có được danh sách 30 thanh niên xung phong và 32 liệt sĩ (trong đó toàn bộ các liệt sĩ đã hy sinh đúng vào trận tập kích ngày 7/1/1973). Nhưng đó mới chỉ là danh sách những người có tuổi, có tên, còn khoảng 100 hài cốt liệt sĩ trong lòng hồ đã được cất bốc, di dời đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên chưa có tên, tuổi, địa chỉ. Vùi sâu trong lòng hồ thăm thẳm, dưới những dãy núi hùng vĩ kia, còn biết bao xương máu của các chiến sĩ năm xưa hy sinh vì nền độc lập nước nhà… Xương máu của họ đã hòa vào dòng nước mênh mông và vùi sâu trong đất đá.

Hằng tháng, trên chiếc thuyền máy, vượt hơn 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trong lòng hồ Kẻ Gỗ, ông Công cùng đồng nghiệp đến chăm sóc, dọn dẹp, thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong... Danh sách những người hy sinh vẫn còn dang dở thì tâm ông Công vẫn chưa yên. “Tôi còn sống thì vẫn tiếp tục tìm kiếm để lấp đầy danh sách những người đã hy sinh ở trận địa này. Tôi không có nguyện vọng nào hơn, chỉ mong anh linh các anh hùng, liệt sĩ được yên nghỉ” - ông Công xúc động.

Thời gian qua, lịch sử bi tráng trong lòng hồ Kẻ Gỗ cũng nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Với tấm lòng tri ân, các mạnh thường quân đã chung tay xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ. Công trình hoàn thành vào cuối tháng 4/2025 với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng Miếu thờ liệt sĩ lòng hồ Kẻ Gỗ và mở rộng với tổng diện tích khoảng 5.000m2.

Sau những nỗ lực của thế hệ hôm nay, chứng tích sân bay dã chiến Libi, đường chiến lược 22 từng bị vùi lấp trong lòng hồ Kẻ Gỗ dần được tái hiện và các liệt sĩ, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng đã hy sinh trên mặt trận này được đời đời tri ân. Những nén tâm nhang hàng ngày thắp lên giữa sông nước, đại ngàn Kẻ Gỗ như những mạch nguồn tri ân chảy mãi không ngừng...

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chung-tich-chien-tranh-ky-bi-trong-long-ho-ke-go-10305541.html