'Chúng tôi là những người canh lửa, giữ rừng'

Chúng tôi là Tổ Bảo vệ rừng thuộc Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Cổng Khánh (BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh). Tổ có 4 thành viên, trong đó 2 người thuộc BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh gồm tôi - Trần Quốc Sơn (ngoài cùng bên trái) và anh Nguyễn Thái Bình (ngoài cùng bên phải). 2 người còn lại là anh Bùi Quốc Giáp (mang túi) và anh Thái Vi thuộc lực lượng quản lý đô thị và dân quân tự vệ của phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh).

Mỗi buổi sáng sớm, trên chiếc bàn làm việc "dã chiến", chúng tôi bắt đầu họp bàn để phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong công tác bảo vệ, quản lý rừng.

Hôm nay, anh Nguyễn Thái Bình được phân công trực gác ở chòi canh lửa, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Chòi canh được đặt ở vị trí có thể quan sát bao quát nhất toàn bộ cánh rừng. Đặc biệt về ban đêm của mùa nắng, việc đứng trên chòi sẽ dễ phát hiện điểm phát lửa từ phía sau đồi hay các khu vực nguy cơ cao khác.

Trên chòi canh, anh Bình sẽ chịu trách nhiệm bao quát toàn bộ diện tích rừng, kịp thời phát hiện điểm lửa. Nếu phát hiện, anh phải gấp rút thông báo cho các thành viên trong tổ và ban chỉ huy để triển khai người, phương tiện nhanh chóng tiếp cận, dập tắt điểm lửa, không để bùng phát thành đám cháy.

Để thực hiện nhiệm vụ trong mùa cao điểm, 2 cán bộ Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Cổng Khánh là anh Bình và tôi sẽ thay phiên nhau trực theo ca kíp để đảm bảo luôn có người gác chòi 24/24h. Ngay cả những khi nghỉ tay uống nước, đôi mắt vẫn phải liên tục "thu thập dữ liệu" từ những ngọn đồi xung quanh.

Trong khi đó, những thành viên còn lại sẽ tiến hành tổ chức tuần tra lưu động để kịp thời nắm bắt hiện trạng rừng.

Công tác tuần tra được thực hiện nghiêm ngặt để phòng ngừa mọi nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Đặc biệt, khi phát hiện dấu vết của người lạ đi vào rừng, chúng tôi phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời ngăn chặn. Ở thời điểm này, những hành động như lấy mật ong, cắm trại, dã ngoại... đều có thể là "mồi lửa" bất cứ lúc nào.

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, quãng đường tuần tra kéo dài nhưng anh em chúng tôi luôn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, nỗ lực bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng.

Trên đường tuần tra, chúng tôi sẽ thực hiện luôn việc phát dọn cây khô, loại bỏ các nguy cơ có thể gây ra cháy rừng; đồng thời sửa sang các khu vực cảnh báo để dễ nhận diện.

Có thể nói, công tác tuyên truyền giữ vai trò cực kỳ quan trọng, là ưu tiên hàng đầu trong phòng, chống cháy rừng bởi nó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động đúng đắn của cộng đồng.

Tổ còn có nhiệm vụ canh giữ chốt đường vào khe Đá Bạc. Đây là lối vào cửa rừng nên chúng tôi canh giữ nghiêm ngặt, bắc rào chắn, tuyệt đối không cho người không phận sự vào rừng, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt.

Tổ quản lý gần 20.000 ha rừng, chủ yếu là rừng thông, keo tràm, rất dễ cháy nên khi bước vào mùa nắng nóng, chúng tôi duy trì nghiêm việc trực và tuần tra không kể ngày đêm.

Do có nhiều hộ dân, các đơn vị kinh doanh ở gần rừng nên ngoài việc gác chòi và tuần tra lưu động, chúng tôi còn thường xuyên đến các hộ gia đình để tuyên truyền chấp hành các quy định bảo vệ rừng.

Đến nay, tất cả các hộ dân, cơ sở kinh doanh sống gần rừng đều được chúng tôi vận động ký cam kết trong việc chấp hành quy định phòng cháy, chữa cháy rừng và tham gia hỗ trợ công tác bảo vệ rừng.

Hoàn tất các công việc, tôi trở về chòi canh lửa để đổi ca trực gác với anh Nguyễn Thái Bình. Những thành viên còn lại sẽ về nhà sau một ngày dài vật lộn với nắng nóng. Dẫu vậy, chúng tôi - những người giữ rừng không cho phép mình hoàn toàn nghỉ ngơi, luôn sẵn sàng nhận lệnh bất cứ lúc nào nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Bước vào mùa nắng nóng cho đến nay, diện tích rừng do tổ quản lý vẫn đảm bảo an toàn. Một màu xanh bạt ngàn, trù phú của cánh rừng luôn là niềm vui và hạnh phúc với mỗi người chúng tôi...
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chung-toi-la-nhung-nguoi-canh-lua-giu-rung-post288295.html