'Chúng tôi từng bị người đăng truyện lậu gạ gẫm chia tiền'

'Các đối tượng vi phạm bản quyền có rất nhiều mánh khóe, thủ đoạn. Thậm chí, có đơn vị còn gạ gẫm chia tiền để có thể tiếp tục làm sai luật', ông Nguyễn Khánh Dương nói.

Sách giả, sách lậu và những vi phạm bản quyền đang ngày càng lan tràn trên môi trường số, gây ảnh hưởng nặng nề đối với sách và những người làm sách thật.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Khánh Dương - người sáng lập và vận hành hệ thống Comicola - lên án mạnh mẽ những vi phạm trên môi trường số và kêu gọi sự chung tay giúp sức của nhiều phía, để có thể chấm dứt vấn nạn này.

 Mạo danh nhà xuất bản, đăng hình sách thật là cách nhiều trang sách giả đánh lừa người mua. Ảnh: Quỳnh Trang.

Mạo danh nhà xuất bản, đăng hình sách thật là cách nhiều trang sách giả đánh lừa người mua. Ảnh: Quỳnh Trang.

Gạ chia tiền để tiếp tục được... vi phạm

- Ông đánh giá như thế nào về nạn sách giả, sách lậu và những vi phạm trên thị trường số hiện nay?

- Công ty tôi làm truyện tranh, đa phần là truyện tranh Việt Nam. Đối tượng độc giả là các bạn trẻ, thị trường không quá lớn, nhưng việc vi phạm bản quyền trực tuyến thường xuyên xảy ra, như cơm bữa.

Sách giả, sách lậu và vi phạm online là việc xảy ra đã lâu, tính bằng đơn vị hàng chục năm. Việc tìm ra các đơn vị thì dễ nhưng tìm được hướng xử lý hiệu quả mới khó.

Nhiều đơn vị vi phạm bản quyền sử dụng các nền tảng trực tuyến, website online để đăng tải nội dung vi phạm. Việc xác thực danh tính chủ website, fanpage không đơn giản. Do vậy, nếu đơn vị sở hữu bản quyền có năng lực công nghệ thông tin giới hạn, họ gặp nhiều khó khăn trước các vi phạm.

Các đơn vị quản lý hosting, tên miền ở Việt Nam, mặc dù chúng tôi đã chỉ đích danh các khách hàng của họ đang vi phạm, họ đều tìm cách lẩn tránh, không khắc khục.

- Trường hợp vi phạm nào nghiêm trọng nhất mà ông và đơn vị của mình từng gặp phải? Ông đã xử lý ra sao?

- Tình huống vi phạm nghiêm trọng nhất là một loạt truyện Hàn Quốc mà công ty của tôi mua bản quyền bị đăng tải lên ứng dụng đọc truyện tranh lậu. Tại thời điểm đăng tải, đó được xem là ứng dụng đọc truyện lậu lớn nhất Việt Nam.

Sau khi chúng tôi liên lạc, công ty sở hữu ứng dựng đó cử người sang trao đổi, yêu cầu tiếp tục được đăng tải lậu và sẽ... chia tiền cho chúng tôi. Sau khi bị từ chối thẳng thừng, họ bỏ về, chặn cuộc gọi và từ chối liên lạc.

Ròng rã suốt 9 tháng, thông qua nhiều cách thức, chúng tôi mới có thể giải quyết triệt để vấn đề này. Liên hệ với công ty hosting, chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ dù phía họ thừa nhận khách hàng của mình đang lưu trữ tại đó.

Cuối cùng, chúng tôi liên hệ trực tiếp với Apple. Đại diện Apple tại Singapore bay sang Việt Nam để trao đổi cụ thể về vấn đề này.

Sau cuộc nói chuyện với Apple, mấy tuần sau, ứng dụng đọc truyện tranh lậu lớn nhất Việt Nam bị gỡ khỏi App Store. Với án lệ này, Google cũng gỡ ứng dụng đó ra khỏi Play Store sau đó.

 Ông Nguyễn Khánh Dương cho rằng cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía và hành động quyết liệt hơn, mới có thể phòng chống được vấn nạn sách lậu, sách giả. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Khánh Dương cho rằng cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía và hành động quyết liệt hơn, mới có thể phòng chống được vấn nạn sách lậu, sách giả. Ảnh: NVCC.

Làm sao để phòng và chống sách lậu?

- Theo ông, cần giải pháp gì để phòng và chống vấn nạn vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến? Liệu có công thức chung để giải bài toán trên không?

- Tôi nghĩ nội dung lậu là việc không thể tránh khỏi, dù ở Việt Nam hay trên thế giới, đâu cũng có. Nhưng chắc chắn có lý do khiến chúng ta đứng top đầu thế giới về vi phạm bản quyền.

Người Việt thích dùng hàng lậu hơn người nước ngoài? Tôi không nghĩ như vậy! Qua nhiều năm bán nội dung bản quyền, tôi khẳng định người Việt luôn sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm chất lượng, có bản quyền đàng hoàng.

Vấn đề ở đây là tôi rất mong chờ các hành động quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý. Việc tìm ra đơn vị nào đứng sau website lậu không phải quá khó khăn, nhưng cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía và hành động quyết liệt hơn, mới có thể phòng chống được vấn nạn này.

Tôi quan sát các công ty sách khác, thấy họ cũng làm hết sức có thể, quá bức xúc nên mới đăng đàn kêu cứu. Thế nên, theo suy nghĩ của tôi, một hành động mạnh tay hơn của cơ quan quản lý sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.

- Việc họ lẩn tránh là dựa trên quy định bảo mật danh tính thường có trong hợp đồng hay lý do khác?

- Khi trả lời tôi, họ thường lấy lý do "yêu cầu bảo mật danh tính khách hàng" và "công ty hosting, tên miền không đủ năng lực để phân biệt nội dung đó có vi phạm bản quyền hay không".

Khi chúng tôi liên hệ với đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc để mua bản quyền, câu đầu tiên họ hỏi không phải về giá cả, mà là "Việt Nam đứng đầu thế giới về truyện lậu, liệu các bạn có bán được không?”.

Ông Nguyễn Khánh Dương

Nếu trường hợp đó xảy ra với các đơn vị đăng ký tên miền nước ngoài (Godaddy, Namecheap), ngay sau khi khiếu nại, tôi được chuyển đến bộ phận xử lý bản quyền để cùng họ giải quyết với trang web vi phạm.

Theo ý kiến cá nhân, việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam bị nhiều người xem là "nghiễm nhiên" nên các công ty cũng không đặt nặng vấn đề cần có quy trình xử lý nó.

Chỉ mới hôm trước, khi tố cáo một website vi phạm bản quyền, công ty đăng ký tên miền đòi chúng tôi cung cấp "giấy tờ bảo hộ thương hiệu" - yêu cầu mà theo tôi là vô cùng kỳ quặc và không hiểu luật pháp.

Nhưng ngay sau đó, chủ website vi phạm lại liên lạc với tôi và xin phép gỡ truyện. Thế nên, hầu hết vi phạm ở Việt Nam, bên tôi thường phải xử lý thông qua thỏa thuận riêng với bên vi phạm.

- Ông thấy hiện tượng vi phạm bản quyền diễn ra ở Việt Nam và thế giới có điểm gì giống và khác nhau? Các nước khác bảo vệ bản quyền trí tuệ trên môi trường mạng như thế nào?

- Ở các nước khác, vi phạm bản quyền có khung hình phạt rất lớn, cơ quan quản lý xử lý mạnh tay. Do vậy, các đơn vị vi phạm bản quyền vẫn có, nhưng họ sống trong sợ hãi, làm chui lủi và không thể bùng lên được.

Ở Việt Nam, việc vi phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên hơn. Đôi khi, chính bản thân người làm cũng không nhận thức được họ đang vi phạm.

Sau khi Apple xử lý ứng dụng đọc truyện lậu kể trên, doanh số bán truyện trên Comicola tăng gấp 3-4 lần. Khi không còn truyện lậu, độc giả chân chính sẽ bỏ tiền ra cho truyện bản quyền.

 Long Thần Tướng là bộ truyện tranh Việt Nam từng đoạt giải thưởng lớn tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Long Thần Tướng là bộ truyện tranh Việt Nam từng đoạt giải thưởng lớn tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

- Vấn nạn sách lậu, sách giả gây thiệt hại cho các đơn vị phát hành như thế nào?

- Không ai muốn tác phẩm của mình bị đăng tải lậu cả. Việc một tác phẩm bị đăng tải lậu, dẫn tới thiệt hại tài chính cho công ty xuất bản.

Ngoài ra, việc này không được giải quyết sẽ khiến các đơn vị khai thác bản quyền không còn mặn mà với việc đầu tư mua bản quyền các tác phẩm mới nữa. Khi đó, tác giả sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trước đây, khi chúng tôi liên hệ với đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc để mua bản quyền, câu đầu tiên họ hỏi không phải về giá cả, mà là "Việt Nam đứng đầu thế giới về truyện lậu, liệu các bạn có bán được không?”.

Tâm lý e ngại độc giả tiêu thụ truyện lậu khiến rất nhiều đơn vị làm nội dung lớn ở nước ngoài cân nhắc khi đưa tác phẩm vào thị trường Việt Nam. Điều này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới độc giả, khi họ không còn cơ hội tiếp cận với các tác phẩm xuất sắc trên thế giới.

- Ông muốn gửi tới độc giả thông điệp gì trong cuộc chiến chung tay chống sách lậu, sách giả?

- Tôi luôn tin là độc giả là người đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất với họ. Độc giả chỉ lựa chọn truyện lậu khi trên thị trường không có giải pháp truyện bản quyền nào phù hợp nhu cầu của họ.

Tôi chỉ có thể chia sẻ là các đơn vị bản quyền ở Việt Nam đang làm hết sức để đưa đến cho độc giả các sản phẩm chất lượng, theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, độc giả chắc chắn có thêm nhiều lựa chọn trong vấn đề bản quyền.

Hứa Mộc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-toi-tung-bi-nguoi-dang-truyen-lau-ga-gam-chia-tien-post1107693.html