Chủng vi rút EV71 khiến trẻ mắc tay chân miệng chuyển biến nặng rất nhanh

Từ đầu năm đến nay, hơn 9 nghìn trẻ mắc tay chân miệng nặng (TCM), trong đó có 3 trẻ tử vong. Năm nay, nhiều trẻ trở nặng do mắc chủng EV71.

Đặc biệt lưu ý TCM chuyển biến nặng rất nhanh

Theo cảnh báo từ BV Nhi đồng TP.HCM, bệnh TCM năm nay biến chuyển rất nhanh, phức tạp và khó lường. Vi rút gây bệnh lại chưa có vắc xin phòng bệnh, độc tính thần kinh cao nếu mắc chủng EV71.

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng chuyển biến nặng do chủng vi rút EV71

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng chuyển biến nặng do chủng vi rút EV71

Tại đây, các bác sĩ vừa tiếp nhận ca bệnh nhi 17 tháng tuổi đã 3 ngày sốt, ói và điều trị phòng khám tư chưa đỡ, đến ngày 4, bé sốt cao khó hạ, giật mình chới với nhiều cơn. Bé được chuyển lên từ Đồng Tháp trong tình trạng suy hô hấp và da bông tái. Từ độ 3 tiến triển kịch tính lên độ 4 chỉ sau 4 tiếng chuyển viện, bé được đặt nội khí quản, thở máy, nhanh chóng thiết lập lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokin gây sốt cao lên 40-41 độ C.

Hiện bé đang đáp ứng dần với những biện pháp hồi sức tích cực kịp thời ban đầu và đang được điều trị cách ly theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Các bác sĩ BV Nhi đồng khuyến cáo, hiện bệnh TCM được phát hiện chủ yếu do vi rút EV71, dễ gây biến chứng, tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Chính vì vậy, cha mẹ phải theo sát các trường hợp sốt cao, run yếu tay chân hay ngủ giật mình... Đáng lưu ý, trẻ hoàn toàn có thể trở nặng ngay cả khi vẫn còn chơi trước đó và một khi nặng là biến chuyển rất nhanh, điều trị khó khăn.

Hơn 9 nghìn ca TCM và 3 trẻ tử vong

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9 nghìn trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trẻ tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An. So với cùng kỳ 2022, số ca mắc TCM giảm 28%, tuy nhiên, tử vong tăng 2 ca. Riêng khu vực phía Nam ghi nhận số ca mắc cao nhất, chiếm khoảng 2/3 trên tổng số ca toàn quốc..

Số mắc TCM chủ yếu gặp ở trẻ nam, chiếm 60%, 84% trẻ mắc TCM ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo và 18% dưới 1 tuổi.

Kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh TCM năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính vi rút EV71. Đây là loại vi rút có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh TCM.

BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết: Không thể lý giải nguyên nhân vì sao vi rút EV71 tái xuất. Tuy nhiên, với các bệnh do vi rút không có vắc xin phòng ngừa, thường có chu kỳ 3-4 năm sẽ quay lại. Lần này lo hơn vì cùng với nhiều bệnh lý khác chúng ta nghe cách đây vài tháng như vi rút Adeno, vi rút hô hấp hợp bào RSV hay viêm phổi đều có số ca tăng nhiều. Nguyên nhân là trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch Covid-19 trẻ bị “nhốt” trong nhà, không tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Sau Covid-19, trẻ được hòa nhập trở lại, số trẻ nợ miễn dịch sẽ đồng thời nhiễm bệnh gây ra đợt dịch lớn”.

“Nếu trước đây thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi mắc bệnh TCM, thì trong đợt dịch này thấy ở trẻ lớn hơn chính là do ảnh hưởng 2 năm trẻ cách ly Covid-19. Miễn dịch đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ em không bền vững. Điều này có nghĩa, nếu trẻ đã từng mắc bệnh, tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh trở lại”, BS. Khanh chia sẻ thêm.

Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên phụ huynh cần hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với người bệnh; nếu trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. Phụ huynh luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ; thường xuyên rửa tay, nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chung-vi-rut-ev71-khien-tre-mac-tay-chan-mieng-chuyen-bien-nang-rat-nhanh-d593617.html