Chuỗi các chương trình văn hóa, lễ hội: 'Bệ đỡ' kích cầu du lịch Thủ đô

Hà Nội đã lên kế hoạch để đến năm 2045 có thể trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đặc sắc và năng lực cạnh tranh quốc tế.

Chuỗi các sự kiện văn hóa, lễ hội quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội như Lễ hội Quà tặng Du lịch, Lễ hội Áo dài Du lịch, Lễ hội Du lịch, Festival Thu... sẽ được tổ chức chuyên nghiệp, đặc sắc gắn với chương trình kích cầu du lịch, mang đến nhiều ưu đãi về giá, dịch vụ và tăng trải nghiệm cho du khách như.

Đây là kế hoạch chương trình Kích cầu du lịch Thành phố Hà Nội năm 2025 vừa được phê duyệt, qua đó nhằm quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu cho Thủ đô.

Đẩy mạnh quảng bá trong nước và quốc tế

Theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng các chương trình, gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa, giao các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn 4-5 sao” gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để khuyến khích người dân, du khách trải nghiệm các dịch vụ cao cấp nội đô.

Bên cạnh đó, các tour du lịch kích cầu kết nối điểm đến trong Thành phố được xây dựng theo hướng ưu đãi, giảm giá, khuyến mãi, tặng quà, chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ dồn lực tổ chức diễn đàn thu hút du khách quốc tế và tham gia Đại hội đồng TPO lần thứ 12 vào quý II-III/2025; tổ chức các hoạt động liên kết, trao đổi để phát triển sản phẩm du lịch giữa Thủ đô và các địa phương du lịch trọng điểm trên cả nước.

 Du khách tham quan di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Du khách tham quan di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Hưởng ứng và đồng hành các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của toàn ngành, Hà Nội đã có kế hoạch cho thị trường tại các tỉnh, thành phố trọng điểm; Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2025 tại Huế và các địa phương; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế. Đồng thời, tổ chức các hoạt động phát triển du lịch làng nghề như: Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Quốc tế 2025; hội thi sản phẩm làng nghề, tự hào “Nông sản Việt”.

Với thị trường quốc tế, Hà Nội tham gia giới thiệu du lịch tại Pháp, Italy, Thụy Sỹ; tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế như: Hội chợ Du lịch quốc tế ITB ASIA 2025 tại Singapore; Hội chợ IMEX Frankfurt 2025 tại Đức; Hội chợ Du lịch quốc tế Tourism Expo Japan 2025 tại Aichi, Nhật Bản; Hội chợ Du lịch quốc tế FTM Top Resa 2025 tại Pháp; tham gia Hội chợ quốc tế Thủ công mỹ nghệ, sản phẩm quà tặng châu Âu năm 2025...

Trong năm nay, các chương trình truyền thông, quảng bá du lịch Thủ đô sẽ được đẩy mạnh trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng; trên nền tảng Facebook, YouTube, TikTok; trên các chuyến bay của Vietnam Airlines cũng như màn hình LED tại sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm kích cầu du lịch. Ngoài ra, cuộc thi “Ảnh đẹp Du lịch Hà Nội” sẽ được tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Du lịch Việt Nam.

“Bệ đỡ” cho du lịch Thủ đô

2025 là năm chuyển đổi toàn diện của du lịch Việt để bước sang giai đoạn phát triển mới hậu phục hồi của đại dịch với quyết tâm từ Chính phủ đến các cấp quản lý, địa phương. Lộ trình này muốn nhanh, mạnh và bền vững, du lịch xanh và chuyển đổi số được xác định là “đôi cánh” của toàn ngành.

 Hà Nội rực rỡ trong những ngày tháng Tư mừng Đại lễ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Hà Nội rực rỡ trong những ngày tháng Tư mừng Đại lễ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện: ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cải cách hành chính liên quan đến lĩnh vực du lịch; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuyết minh du lịch thông minh, các phần mềm tiện ích hỗ trợ công tác quản lý, kết nối với doanh nghiệp du lịch và phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin; ứng dụng công nghệ AI trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao như 3D, flycam, mapping, công nghệ thực tế ảo...

Hoạt động hậu kiểm, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô văn minh, thân thiện sẽ được đẩy mạnh.

Lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội khẳng định mục tiêu của Kế hoạch là triển khai hiệu quả các chủ trương, định hướng của Trung ương và Thành phố, hoàn thành nhiệm vụ ngành Du lịch được giao, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, hướng tới du lịch xanh.

Bên cạnh đó, phấn đấu đón 31 triệu lượt khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 130.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong lộ trình phát triển, lãnh đạo ngành xác định Kế hoạch trên cùng với Quy hoạch hệ thống du lịch mới ban hành chính là những “bệ đỡ” quan trọng để đến năm 2045 Hà Nội có thể trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đặc sắc và năng lực cạnh tranh quốc tế./.

 Du khách chụp với Cột Cờ Hà Nội - một biểu tượng của Thủ đô. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Du khách chụp với Cột Cờ Hà Nội - một biểu tượng của Thủ đô. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuoi-cac-chuong-trinh-van-hoa-le-hoi-be-do-kich-cau-du-lich-thu-do-post1037257.vnp