Chuỗi cung ứng ở Trung Quốc bị giám sát vì rộ tin HP dịch chuyển mạnh mẽ việc sản xuất sau Apple, Dell

Gã khổng lồ máy tính cá nhân HP (Mỹ) cho biết vẫn cam kết hoạt động tại Trung Quốc sau khi phủ nhận thông tin đang chuyển hầu hết việc sản xuất ra bên ngoài nước này. Tin tức đó từng làm dấy lên sự giám sát chặt chẽ mới với chuỗi cung ứng sản xuất của Trung Quốc.

HP, nhà cung cấp máy tính cá nhân (PC) lớn thứ hai thế giới sau Lenovo Group, nói với Nhật báo Hoàn cầu rằng thông tin trên trang Nikkei Asia về "sự dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ nhất ra khỏi Trung Quốc của công ty" là sai sự thật.

"Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất PC của HP vẫn đóng vai trò then chốt. Để tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chúng tôi đang tích cực tối ưu hóa chiến lược của mình, tăng tính linh hoạt để phục vụ tốt hơn cho khách hàng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu đa dạng của họ", HP cho biết trong một tuyên bố được trích dẫn bởi Nhật báo Hoàn cầu, tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo.

HP không trả lời ngay lập tức khi được trang SCMP đề nghị bình luận hôm 8.8.

HP được thành lập vào tháng 11.2015 với tư cách là công ty kế thừa hợp pháp của Hewlett-Packard ban đầu. Hewlett-Packard đã tách các đơn vị sản phẩm doanh nghiệp và dịch vụ kinh doanh thành Hewlett Packard Enterprise (HPE).

Tuyên bố của HP với phương tiện truyền thông Trung Quốc để đáp lại bản tin từ Nikkei Asia không giúp tăng cường niềm tin vào chuỗi cung ứng sản xuất ở nước này, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những năm gần đây bởi các hạn chế về công nghệ và lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, cũng như việc Trung Quốc thực thi biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt trước đây.

Theo bản tin hôm 7.8 trên Nikkei Asia, HP có kế hoạch sản xuất tới 70% PC của mình bên ngoài Trung Quốc trong vòng hai đến ba năm. Nikkei Asia cho biết công ty Mỹ đang xem xét các địa điểm sản xuất tiềm năng tại Thái Lan, đồng thời thành lập một trung tâm thiết kế dự phòng ở Singapore.

Năm ngoái, Nikkei Asia đưa tin HP đang chuyển một số hoạt động lắp ráp sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan và Mexico. Bản tin trên Nikkei Asia cho biết HP cho biết vẫn "cam kết sâu sắc" với hoạt động sản xuất máy tính của mình tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc).

HPi phủ nhận thông tin đang chuyển hầu hết việc sản xuất PC ra bên ngoài Trung Quốc - Ảnh: Internet

HPi phủ nhận thông tin đang chuyển hầu hết việc sản xuất PC ra bên ngoài Trung Quốc - Ảnh: Internet

Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ khác, gồm Apple, Dell và Microsoft, đã có những động thái nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài đại lục.

Foxconn (Đài Loan) đã có những bước tiến vững chắc trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam. Tháng trước, công ty Đài Loan cho biết sẽ đầu tư khoảng 551 triệu USD vào hai dự án mới tại Việt Nam. Foxconn là hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và nhà cung cấp chính của Apple về iPhone, iPad cùng các thiết bị khác.

Hồi tháng 5, trang The Wall Street Journal đưa tin Microsoft yêu cầu khoảng 700 đến 800 nhân viên ở Trung Quốc đang làm việc về học máy và các công việc khác liên quan đến điện toán đám mây xem xét việc chuyển địa điểm làm việc.

"Cung cấp cơ hội nội bộ là một phần thường xuyên trong việc quản lý doanh nghiệp toàn cầu của chúng tôi. Trong quá trình này, chúng tôi đã chia sẻ một cơ hội chuyển công tác nội bộ tùy chọn với một số nhân viên", người phát ngôn Microsoft cho biết trong một tuyên bố qua email gửi cho Reuters, không chỉ ra số lượng nhân viên mà họ đã gửi yêu cầu.

Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.

Những ứng dụng của học máy rất đa dạng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...

Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Microsoft vẫn cam kết với Trung Quốc và sẽ tiếp tục hoạt động ở đó cùng các thị trường khác, người phát ngôn nói thêm.

Các nhân viên Microsoft, chủ yếu là kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc, được cung cấp lựa chọn chuyển đến Mỹ, Ireland, Úc và New Zealand, The Wall Street Journal cho biết, dựa trên nguồn tin quen biết với vấn đề này.

Microsoft đã chuyển hoạt động sản xuất máy chơi game Xbox từ Trung Quốc sang Việt Nam trước năm 2022.

Theo bản tin của Nikkei Asia vào tháng 1.2023, Dell có kế hoạch ngừng sử dụng chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất trong năm 2024 và kêu gọi các nhà cung cấp của mình cắt giảm các linh kiện có nguồn gốc từ nước này trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng Trung - Mỹ leo thang.

Để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc Trung Quốc, Apple đã lên kế hoạch sản xuất các mẫu iPhone Pro mới bên ngoài nước này. Theo trang BGR, các đối tác của Apple sẽ sản xuất iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max tại Ấn Độ.

"Hàng năm, Apple đều tìm cách tăng cường năng lực sản xuất với các đối tác tại Ấn Độ. Việc sản xuất các mẫu iPhone Pro ở Ấn Độ đã được Apple cân nhắc vài năm trở lại đây. Năm nay, Apple sẽ sản xuất mẫu Pro và Pro Max tại Ấn Độ để đảm bảo dòng iPhone 16 Pro có sẵn tại quốc gia này sau khi ra mắt", một nguồn tin thân cận với vấn đề này tiết lộ cho trang BGR.

Trước đó, BGR đưa tin Apple có mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 1 trong 4 chiếc iPhone tại Ấn Độ vào năm 2026. Vì Ấn Độ chưa gặp nhiều vấn đề trong sản xuất các mẫu iPhone 15 nên Apple có thể quyết định trao cho quốc gia Nam Á cơ hội lắp ráp iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sắp ra mắt.

Theo BGR, nhà máy của Foxconn (công ty Đài Loan là đối tác lắp ráp iPhone chính cho Apple) tại thị xã Sriperumbudur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ sẽ sớm bắt đầu quá trình NPI các mẫu iPhone Pro và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt sau khi Apple giới thiệu dòng iPhone 16 vào tháng 9 tới.

NPI (New Product Introduction) nghĩa là giới thiệu sản phẩm mới. Đây là quy trình toàn diện gồm tất cả hoạt động liên quan đến việc đưa một sản phẩm mới từ ý tưởng ban đầu cho đến khi nó đó có mặt trên thị trường và sẵn sàng bán hàng.

Dù mối quan hệ của Apple với Trung Quốc sẽ tiếp tục nhiều năm tới, nhà sản xuất iPhone đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình vì hai lý do: Căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung gia tăng và vấn đề chỉ dựa vào một khu vực.

Nhà máy iPhone lớn nhất lớn nhất thế giới, tại thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), từng gặp sự cố với việc sản xuất mẫu iPhone 14 Pro/Pro Max thời đại dịch COVID-19 do nhiều công nhân gây bạo loạn và đua nhau rời đi. Vì điều đó, Apple từng không thể giao những chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max kịp thời và nhiều người dùng chỉ có thể nhận được máy sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Kể từ đó, Apple cố gắng ngăn chặn điều tương tự xảy ra một lần nữa bằng mọi giá.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuoi-cung-ung-o-trung-quoc-bi-giam-sat-vi-ro-tin-hp-dich-chuyen-manh-me-viec-san-xuat-sau-apple-dell-222517.html