Chuỗi cung ứng toàn cầu về lao động trước nguy cơ sụp đổ bởi Covid-19

Các thuyền viên, tài xế xe tải và nhân viên hàng không đã phải chịu đựng việc hạn chế đi lại, các yêu cầu kiểm tra và tiêm chủng Covid-19 phức tạp để giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động trong thời gian đại dịch. Rất nhiều các yếu tố cộng lại khiến chuỗi cung ứng toàn cầu về lao động bị đe dọa.

Nhiều công ty hiện đang đạt đến ngưỡng phá sản, gây ra một mối đe dọa khác đối với mạng lưới cảng, tàu container và các công ty vận tải hàng hóa đang vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.

Nhiều lao động là thuyền viên, tài xế xe tải, nhân viên hàng không gặp nhiều hạn chế đi lại vì các quy tắc hạn chế Covid-19 và tiêm chủng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu về lao động bị tác động mạnh - Ảnh: CNN

Trong một bức thư ngỏ hôm thứ Tư (29/9) gửi các nguyên thủ quốc gia tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS) và các nhóm ngành khác đã cảnh báo về một "sự sụp đổ của hệ thống giao thông toàn cầu" nếu các chính phủ không khôi phục quyền tự do đi lại cho công nhân vận chuyển và cho họ được ưu tiên tiêm những loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận.

Họ viết: "Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu trở nên khó khăn sau hai năm của đại dịch". Bức thư cũng đã được ký bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Vận tải Đường bộ Quốc tế (IRU) và Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF). Họ cùng nhau đại diện cho 65 triệu công nhân vận tải trên toàn cầu.

"Tất cả các lĩnh vực vận tải cũng đang chứng kiến sự thiếu hụt nhân công và dự kiến sẽ có thêm nhiều người nghỉ việc do tình trạng làm việc tồi tệ xuyên suốt dịch, khiến chuỗi cung ứng bị đe dọa lớn hơn", bức thư nhấn mạnh.

Ông Guy Platten, tổng thư ký của ICS, cho biết tình trạng thiếu công nhân có khả năng trầm trọng hơn vào cuối năm vì các thuyền viên có thể không muốn ký các hợp đồng mới và lo sợ không về nhà vào dịp Giáng sinh do cảng đóng cửa và các hạn chế đi lại liên tục thay đổi.

Các tàu thả neo chờ dỡ hàng ở Los Angeles, Mỹ - Ảnh: CNN

Chuỗi cung ứng mong manh

Điều đó sẽ gây áp lực lên các chuỗi cung ứng và có thể làm trầm trọng thêm những thách thức hiện tại đối với nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu ở Vương quốc Anh.

Ông Stephen Cotton, Tổng thư ký ITF cho biết: “Chuỗi cung ứng toàn cầu rất mỏng manh và phụ thuộc nhiều vào thuyền viên từ Philippines cũng như tài xế xe tải để giao hàng. Đã đến lúc những người đứng đầu chính phủ phải đáp ứng những nhu cầu này của người lao động".

Khi Karynn Marchal và thủy thủ đoàn được thông báo rằng họ sẽ không được phép lên bờ khi cập cảng Hokkaido, Nhật Bản, đó là một tổn thất lớn về tinh thần. “Không ai trong chúng tôi biết sự việc sẽ diễn ra trong bao lâu”, giám đốc 28 tuổi của một con tàu chở ô tô nói với CNN Business.

Đã 18 tháng kể từ khi Marchal và hàng trăm nghìn thuyền viên trên toàn thế giới bị cấm lên bờ. Thông thường, sau nhiều tuần trên một con tàu, một vài giờ trên bờ sẽ cung cấp rất nhiều thời gian nghỉ ngơi cần thiết.

Thời kỳ đầu của đại dịch, nhiều thuyền viên đã đồng ý gia hạn hợp đồng thêm vài tháng để giữ cho nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men và các mặt hàng tiêu dùng khác đi khắp thế giới. Việc cấm máy bay và đóng cửa biên giới đã khiến việc di chuyển công nhân từ nơi này sang nơi khác trên thế giới gần như không thể thực hiện được.

Theo ICS, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng vào năm 2020, 400.000 thuyền viên đã không thể rời tàu của họ để đổi tàu định kỳ, một số tiếp tục làm việc thêm 18 tháng sau khi kết thúc hợp đồng ban đầu.

Cần thống nhất tiêu chuẩn toàn cầu

Các xe tải xếp hàng chờ thông quan ở Anh. Ảnh: CNN

Một số hạn chế đi lại đã được đặt ra do biến thể Delta bùng phát và công nhân vận tải tiếp tục phải đối mặt với vô số các yêu cầu về vắc xin và xét nghiệm chỉ để thực hiện công việc của họ. Ông Platten cho biết, thường thì những điều này được áp đặt một cách đột ngột và không được báo trước.

Theo ông Platten, các yêu cầu không nhất quán có nghĩa là một số thuyền viên đã được tiêm chủng nhiều lần vì một số quốc gia chỉ chấp thuận một số loại vắc xin nhất định.

Ông biết ít nhất một thuyền viên đã được tiêm sáu liều vắc xin, với 3 loại vắc xin khác nhau. "Đó là một cơn ác mộng tuyệt đối. Tôi không thể hiểu tại sao chúng ta không có một số loại tiêu chuẩn toàn cầu", ông nói với CNN Business.

Trong khi đó, việc phân phối vắc xin không đồng đều trên toàn cầu có nghĩa là chỉ có khoảng 25% đến 30% thuyền viên được tiêm phòng, ông cho hay.

Xét nghiệm COVID-19 cũng là một thách thức. Vào tháng 2, Đức đã đơn phương áp dụng thử nghiệm PCR bắt buộc mà không miễn trừ cho các tài xế xe tải, khiến các quốc gia láng giềng bao gồm Ý áp đặt các hạn chế tương tự để tránh hàng nghìn tài xế mắc kẹt trong lãnh thổ của họ.

Các biện pháp này đã ảnh hưởng đến hàng nghìn tài xế xe tải, đặc biệt là trên đèo Brenner giữa Ý và Áo, buộc họ phải xếp hàng nhiều ngày trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 mà không có thức ăn hoặc cơ sở y tế. Chứng chỉ Covid Kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu kể từ đó đã giảm bớt một số áp lực, nhưng các nút thắt vẫn còn.

Ông Umberto de Pretto, Tổng thư ký IRU, cho biết: “Những người lái xe đã phải đối mặt với hàng trăm vấn đề biên giới và phong tỏa thông qua đại dịch. Các tài xế xe tải, người dân và doanh nghiệp phải trả giá đắt cho những hạn chế sai lầm của chính quyền khi không miễn trừ cho công nhân vận tải".

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuoi-cung-ung-toan-cau-ve-lao-dong-truoc-nguy-co-sup-do-boi-covid-19-post158874.html