Chuỗi liên kết để phát triển nông nghiệp bền vững

Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Đây cũng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã được tỉnh cụ thể hóa qua các hoạt động cụ thể nhằm khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, đồng thời tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng các quy trình hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) liên kết và trình độ của người nông dân.

Các thành viên Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã đóng gói sản phẩm trước khi xuất bán.

Tư duy mới

Xác định rõ, liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản là xu thế phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với lĩnh vực có thế mạnh như trồng rau, trồng cây ăn quả đặc sản, sản xuất giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ngày 12/4/2021, Huyện ủy Thanh Ba đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Ý Đảng hợp lòng dân, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, đầu tư quy mô, sản xuất theo chuỗi liên kết. Huyện xác định trọng tâm trong phát triển nông nghiệp là sản xuất chè, đặc biệt là chè búp tím; sản xuất rau củ, quả an toàn theo hướng hàng hóa; sản xuất cây ăn quả, cây gai xanh; chăn nuôi gà vùng đồi tạo sản phẩm đặc trưng; hình thành các chuỗi liên kết trong trồng trọt và chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện, huyện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, giá cả các loại vật tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Song, các chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp, huyện đã bố trí nguồn vốn sự nghiệp từ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM để triển khai hỗ trợ cho các HTX như: HTX Đỗ Xuyên xây dựng nhà lưới 10.000m2, trị giá 900 triệu đồng trồng rau, củ, quả có liên kết sản xuất với Công ty TNHH GOC; HTX Hoàng Cương liên kết sản xuất rau sạch nhà lưới với quy mô 500m2, trị giá 40 triệu đồng. Là điểm sáng trong thực hiện chủ trương dồn đổi ruộng đất, Thanh Ba đã sử dụng có hiệu quả vốn đất sau dồn đổi gắn với tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đã góp phần không nhỏ phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với tiêu thụ, tạo thành chuỗi giá trị bền vững.

Đồng chí Nguyễn Trung Tình - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trong những năm tiếp theo, huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên các sản phẩm đặc sản truyền thống, đặc trưng của các địa phương với quy mô phù hợp, theo thế mạnh vùng sản xuất của các địa phương và thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo; đổi mới quan điểm chỉ đạo từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung kiến tạo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhất là thu hút phát triển doanh nghiệp”.

Nhiều năm nay HTX rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao) đã trở thành điểm sáng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân. Chỉ sau sáu năm phát triển, đến nay, HTX đã có sự tham gia của 100 hộ với diện tích trồng rau quanh năm trên 12ha, trung bình mỗi sào cho thu nhập 14 - 15 triệu đồng/năm. Người dân được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn như sử dụng thuốc bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm đúng cách giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại năng suất cao hơn trước. Quan trọng hơn, sản phẩm sản xuất ra được ký kết hợp đồng bao tiêu với các trường học, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng với giá cao hơn thị trường từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Cùng với đó, tư duy sản xuất và nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, tạo nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe, đáp ứng nhu cầu thị trường được nâng lên.

Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành được 484 vùng sản xuất tập trung với quy mô trên 13.500ha và 27 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới. Đối tượng được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã,… Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để giành những vụ mùa bội thu, vừa tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.

Liên kết bền vững

“Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết”, đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

Thời gian qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng cánh đồng lớn… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất nông nghiệp phần nhiều còn mang tính nhỏ lẻ, có sự tham gia của nhiều hộ. Việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhận thức một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao.

Đồng chí Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX; xây dựng phát triển các chuỗi cung ứng rau, củ, quả, thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân”.

Giang Ngân

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/chuoi-lien-ket-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung/189075.htm