Xã Thạnh Tân: Sức sống mới trên vùng đất phèn
Trong suốt ba thập kỷ qua, xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) từ một vùng nông thôn phụ thuộc vào sản xuất lúa sang đa dạng hóa cây trồng. Sự chuyển đổi này không chỉ làm phong phú bức tranh nông nghiệp mà còn tạo cơ hội phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Xã Thạnh Tân khi mới thành lập là vùng đất mới khai hoang, nên sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại chưa phát triển, đời sống nhân dân còn rất khó khăn, lao động chủ yếu là nhổ bàng để đương đệm và làm những công việc của gia đình như vần đổi công, làm mướn cho các hộ có đất sản xuất xâm canh hoặc đi làm ở các công ty… Do xã có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai vùng trũng, hoang vu, phèn nhiễm nặng nên việc chuyển đổi cây trồng là vấn đề thách thức lớn đặt ra thời điểm này. Tuy nhiên, tiềm năng về đất đai, tài nguyên rừng ở đây rất lớn, cấp ủy và chính quyền xã đã quyết tâm, nỗ lực khai thác lợi thế của vùng nhằm ổn định dân cư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ban đầu, người dân canh tác một số loại cây trồng như: Lúa (trên 2.330 ha), tràm (1.239 ha), khóm (25 ha) và một số diện tích mía, khoai mì… Do hệ thống kinh, mương chưa hoàn thiện nên mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa lại ngập sâu, lúa chỉ làm được 1 vụ, có khi mất mùa vì lụt, bão và nhiễm phèn nặng; cây khóm diện tích còn ít, năng suất thấp vì chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác; các cây trồng khác hiệu quả kinh tế không cao nên cũng không thể giúp được người nông dân cải thiện thu nhập. Vì vậy, trong những năm đầu thành lập xã, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, chiếm 63,14%.
Với diện tích đất nông nghiệp 2.929 ha, chiếm 88,66% tổng diện tích đất tự nhiên, xã đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện chủ trương của Huyện ủy, tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân khai hoang mở rộng diện tích hằng năm, đưa vào trồng các loại cây trồng có hiệu quả, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục vận động những hộ được cấp đất vào định cư, lập nghiệp, đầu tư vốn để phát triển ngành, nghề phù hợp và góp phần tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, thực hiện các chính sách đối với người định cư; quan tâm các vấn đề xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, gia đình chính sách, người neo đơn, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm…
Hiện nay nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn xã đã phát huy đúng hướng, mang lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Thanh long, mít, sầu riêng… Đồng thời, để nâng cao chất lượng nông sản, với thế mạnh 2.288 ha diện tích khóm, xã đã trở thành vùng khóm nguyên liệu quan trọng của huyện, góp phần đưa sản phẩm kẹo khóm của xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện; ngoài ra, xã còn thực hiện áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký và được cấp mã vùng trồng mít Thanh Tan’s Orchard với mã số VN - TGOR - 0076”.
CHỦ TỊCH UBND XÃ THẠNH TÂN NGUYỄN VĂN RỞ
Bằng tinh thần quyết tâm, sự cần cù, chịu khó của người dân và những kiến thức từ những ngày đầu đi lập nghiệp tại vùng kinh tế mới, với diện tích đất được giao, người dân đã tiến hành khai hoang, đào kinh tháo chua, rửa phèn, lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để đầu tư chăm sóc, tập trung phát triển kinh tế. Sau 6 năm thành lập xã, hơn 1/3 diện tích đất hoang của xã được đưa vào sản xuất, số lượng đàn vật nuôi tăng đáng kể. Những kết quả đạt được từ chủ trương, chính sách đúng đắn của huyện, tỉnh, nhân dân phấn khởi vào khai hoang, định cư, lập nghiệp ngày càng nhiều, đời sống ngày càng ổn định.
Cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai kịp thời như: Vay vốn từ các ngân hàng; chính sách hỗ trợ di dân; áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, năm 2004, cấp tỉnh, huyện đầu tư xây dựng các ô đê bao đầu tiên được thành lập trên địa bàn xã, hệ thống thủy lợi, kinh, mương nội đồng dần hoàn thiện; diện tích gieo sạ cây lúa dần thu hẹp do chuyển đổi sang trồng khóm, với năm 2000 là 1.900,5 ha đất trồng lúa, đến năm 2005 đất trồng lúa còn 959,7 ha, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha; trong khi cây khóm được nông dân trồng có diện tích ngày càng tăng, với 350 ha diện tích cây khóm vào năm 1999, đến năm 2005 tăng lên 1.703 ha, năng suất đạt 13 tấn/ha.
Đến nay, toàn xã thành lập được 15 ô đê bao với diện tích 2.341 ha, việc bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp hằng năm luôn đảm bảo, diện tích và năng suất cây trồng không ngừng tăng cao. Diện tích khóm: 2.288 ha, năng suất ước đạt 23 tấn/ha, với diện tích thu hoạch hằng năm khoảng 1.750 ha, sản lượng 40.250 tấn; lúa: 75 ha, năng suất ước đạt 8 tấn/ha, sản lượng 600 tấn; mít: 160 ha, năng suất ước đạt 22 tấn/ha, sản lượng 3.520 tấn.
Bên cạnh đó, những tiến bộ trong nông nghiệp được áp dụng vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của xã; mạng lưới thủy lợi được đầu tư, đào mới các tuyến kinh nội đồng và nạo vét thông dòng chảy phục vụ tốt cho việc tưới tiêu, xả phèn và chống úng; xã tổ chức phổ biến các kiến thức khoa học - kỹ thuật cho nông dân áp dụng có hiệu quả trong sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, trải bê tông, nhựa hóa các tuyến liên ấp và tuyến huyện lộ 40, 41, 47 được mở rộng, phương tiện lưu thông dễ dàng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân Nguyễn Văn Rở, bằng những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, các loại cây trồng mới đã bước đầu đem lại cho vùng đất phèn ngày nào những tiềm năng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo từ 63,14%, đến nay giảm còn 1,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 62 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã Thạnh Tân tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với việc khai thác và tận dụng tốt lợi thế địa phương để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản cho địa phương.
CHÚ TRỌNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SỐNG
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới của xã là bảo vệ môi trường. Các hoạt động như: Hưởng ứng Giờ trái đất, Ngày Môi trường thế giới và chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” đã được tổ chức sôi nổi. Cùng với đó, các tuyến đường hoa, cây xanh và đèn đường đã được xây dựng, tạo nên không gian sống xanh - sạch - đẹp cho cộng đồng.
Mô hình “Ngôi nhà rác thải nhựa” được triển khai tại các cơ quan, trường học không chỉ tạo ra một nơi trữ rác hiệu quả mà còn giúp nâng cao nhận thức về việc phân loại rác. Sự thay đổi trong hành động của từng gia đình đã góp phần bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực triển khai mô hình “5 không, 3 sạch” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên. Bằng cách duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ, tổ nhóm như: Tổ địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ không sinh con thứ ba và câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc… đã giúp kết nối và hỗ trợ các gia đình trong việc duy trì nếp sống văn minh.
Cùng với đó, Hội Nông dân xã Thạnh Tân cũng đã đóng góp tích cực thông qua mô hình “thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng”. Chỉ trong quý I năm 2024, chương trình đã thu gom được 528 kg, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao ý thức giữ gìn không gian sống sạch đẹp. Ngoài ra, các dự án, mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, nhất là mô hình trồng mới khóm Queen đã mang lại cơ hội tiếp cận nguồn giống khóm Queen cho nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã, góp phần giúp cải thiện thu nhập, tạo nguồn lực bền vững cho sự phát triển lâu dài của người dân.