Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản: 'Chìa khóa' thúc đẩy tăng trưởng
Các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố không chỉ phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm trên thị trường mà thực sự đã trở thành 'chìa khóa' thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp sau khi dịch Covid-19 bị khống chế.
Phát triển các chuỗi liên kết nông sản an toàn sẽ góp phần khôi phục cũng như thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Trong ảnh: Đóng gói rau sạch tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh
Động lực để khôi phục tăng trưởng
Dù dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng thời gian qua, các chuỗi liên kết nông sản vẫn hoạt động ổn định.
Ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) cho biết: Hợp tác xã vẫn duy trì ổn định sản xuất trong thời gian vừa qua và ở thời điểm hiện tại, các hộ dân đang đẩy mạnh chăm sóc rau, màu bảo đảm cung ứng ra thị trường. Để đẩy mạnh khâu tiêu thụ, hợp tác xã đã thành lập chuỗi sản xuất rau Đông Cao cung cấp cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Fifoco Bắc Giang…với các đơn hàng ổn định.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) cho biết: Hiện nay, khi dịch Covid-19 bị khống chế, chuỗi thực phẩm Lan Vinh của công ty đang đẩy mạnh việc liên kết với các trang trại chăn nuôi để cung cấp từ 4.000 đến 6.000 con gà/ngày cho các đơn vị đã ký hợp đồng. Việc sản xuất theo chuỗi, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, nguồn gốc mà các doanh nghiệp, người nông dân hoàn toàn có thể yên tâm về đầu ra cũng như giá thành của sản phẩm.
Nhận định, sản xuất theo chuỗi là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện tại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường phân tích: “Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá thịt, rau bán ở chợ dân sinh lên xuống thất thường, có lúc tiểu thương lợi dụng dịch bệnh đẩy giá tăng đột biến, nhưng các chuỗi vẫn bán với mức giá ổn định theo hợp đồng đã ký...”.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện thành phố có 138 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phân phối tại 110 siêu thị, hơn 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn... Ở thời điểm hiện tại, khi các nhà hàng, bếp ăn tập thể... hoạt động trở lại, cũng là lúc các chuỗi tập trung gia tăng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.
Cho rằng chuỗi liên kết là thế mạnh, động lực để khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, nhưng Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cũng thẳng thắn nhìn nhận: Các chuỗi vẫn có những hạn chế nhất định, đó là tình trạng tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thực tế cao hơn so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất; sức cạnh tranh của các chuỗi chưa cao. Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các chuỗi còn yếu. Việc nhận diện sản phẩm an toàn tham gia chuỗi còn gặp nhiều khó khăn…
Phát huy tối đa hiệu quả các chuỗi
Kiểm tra chất lượng gà thịt tại Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm), đơn vị tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Ảnh: Vũ Sinh
Phát triển chuỗi liên kết nông sản là giải pháp chiến lược hướng tới phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Do đó, thời điểm này, ngay khi dịch Covid-19 được khống chế, cần thúc đẩy các giải pháp phát triển chuỗi liên kết lớn để nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng, trước mắt cơ quan chức năng của thành phố cần triển khai các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi tại hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các kênh phân phối ngoài thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ...
Cùng với các giải pháp hỗ trợ của thành phố, các địa phương cũng cần chủ động phát triển các chuỗi thông qua những sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Năm 2020, Đông Anh phấn đấu có 40-45 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Để xây dựng chuỗi từ các nhóm mặt hàng thế mạnh này, huyện đã xây dựng website và gắn tem truy xuất nguồn gốc QRcode cho gần 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến. Đây là cơ sở để huyện phân loại cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hình thành kênh phân phối, liên kết đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi hàng hóa…
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sản xuất theo chuỗi được ngành Nông nghiệp xác định là “chìa khóa” để khôi phục cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp cần trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô thì phát triển chuỗi là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, trước mắt, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm (trong 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất) cho các đơn vị khi tham gia sản xuất theo chuỗi; đồng thời hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao...
Với sự nỗ lực cũng như các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, các chuỗi liên kết nông sản an toàn sẽ thực sự là động lực để khôi phục cũng như thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô.