Chuỗi nhà thuốc cạnh tranh ngày càng nóng
Hoạt động cạnh tranh đầu tư, tái cấu trúc các mô hình phân phối bán lẻ dược phẩm ngày càng sôi động. Dự báo trong vài năm tới, các chuỗi nhà thuốc tư nhân sẽ đạt doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng trung bình 8-9%/năm.
Công ty cổ phần (CTCP) Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đã sử dụng toàn bộ phần vốn góp tại FPT Pharma để góp vốn thành lập Công ty FPT Long Châu Investment với số vốn điều lệ 674 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, doanh thu đã đạt con số hơn 11.500 tỷ đồng từ hơn 1.700 nhà thuốc của chuỗi bán lẻ này, chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu doanh thu của FRT (63%) và tăng trưởng rất mạnh ở mức 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh việc thành lập công ty mới, thời gian qua, FRT rất chú trọng đầu tư hợp tác đào tạo dược sĩ, mở mới các nhà thuốc và phát triển các trung tâm tiêm chủng vaccine. Điều này cho thấy sức hút của lĩnh vực bán lẻ thuốc tây và chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang rất lớn và có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn và thương hiệu trong ngành hàng dược phẩm và thiết bị y tế.
Thực tế cho thấy, khoảng 3-4 năm trở lại đây, tại Việt Nam, các thương hiệu nhà thuốc như Long Châu, Pharmacity, An Khang, Minh Châu… ngày càng trở nên phổ biến và “ăn nên làm ra” rõ rệt.
Mặc dù hiện nay, Pharmacity của SK Group đang gặp khó khăn, phải thu hẹp quy mô để tái cấu trúc, nhưng chuỗi nhà thuốc này vẫn đạt con số hơn 930 cửa hàng với doanh thu bình quân 600 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Tương tự, An Khang của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), dù lép vế hơn so với Long Châu và Pharmacity, nhưng vẫn phát triển hơn 540 nhà thuốc trên toàn quốc với doanh thu bình quân 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng.
Đáng chú ý là thời gian qua, sự đầu tư của khối doanh nghiệp nước ngoài ngày càng trở nên ồ ạt. Tiêu biểu là thương vụ thâu tóm “đình đám” của Tập đoàn Dongwha Pharm vào tháng 8 vừa qua, khi tập đoàn Hàn Quốc này mạnh dạn chi 30 triệu USD để mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, và đặt mục tiêu nâng số lượng nhà thuốc Trung Sơn lên mức 460 cửa hàng vào năm 2026 để trực tiếp cạnh tranh với các chuỗi nhà thuốc hiện hữu và có thị phần áp đảo.
Theo nhận định của Tổ chức cung cấp dữ liệu và phân tích chăm sóc sức khỏe IQVIA, cuộc cạnh tranh đầu tư vào chuỗi bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam trong vài năm tới sẽ tiếp tục sôi động và thu hút dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Bởi các nhà thuốc là kênh quan trọng khó thay thế trong phân phối thuốc và các sản phẩm khác (như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,…) đến tay người tiêu dùng cuối.
Tính toán của Công ty IQVIA cho thấy, đến cuối năm 2023, tổng doanh thu thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt gần 199.000 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình 10,5%/năm trong giai đoạn 2018-2023. Trong khi đó, doanh thu dược phẩm kênh bán lẻ đạt khoảng 125.200 tỷ đồng vào năm 2023, tăng trưởng ở mức 13,0%/năm.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có sự cạnh tranh khốc liệt của hơn 50.000 nhà thuốc lớn nhỏ. Trong số này, các nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ và chuỗi nhà thuốc bắt đầu mở rộng quy mô chiếm khoảng hơn 80%. Vì thế, nhiều khả năng trong các năm tới sẽ diễn ra nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập, tạo lập các thương hiệu nhà thuốc mới.
IQVIA dự báo trong các năm tới, doanh thu thị trường dược phẩm nói chung và kênh bán lẻ thuốc tây, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nói riêng sẽ lần lượt đạt mức trên 316.700 tỷ đồng và 186.400 tỷ đồng; tăng trưởng trung bình 9,7%/năm và 8,3%/năm trong giai đoạn 2024-2028.
Tuy nhiên, từ năm 2028 trở đi, kênh bán lẻ lĩnh vực này có thể sẽ giảm thị phần trong tổng thị trường dược phẩm, do kênh phân phối thuốc từ bệnh viện được hỗ trợ bởi tỷ lệ bao phủ của Bảo hiểm Y tế có xu hướng gia tăng theo định hướng của Chính phủ và sự cải thiện về cơ sở vật chất của cả bệnh viện công và bệnh viện tư.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuoi-nha-thuoc-canh-tranh-ngay-cang-nong-156424.html