Chuồn chuồn tre Thạch Xá – món quà tuổi thơ bình dị

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km, làng Thạch xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre. Qua bàn tay khéo léo của người thợ trong làng đã cho ra đời những con chuồn chuồn đủ màu sắc, kích thước và trở thành món đồ chơi dân dã, bình dị được trẻ em thích thú không kém gì những món đồ chơi hiện đại ngày nay.

Món quà tuổi thơ

Chuồn chuồn tre là sản phẩm được những người thợ làng Thạch Xá tạo nên. Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo nên những chú chuồn chuồn tre vô cùng tinh xảo, trở thành món quà tuổi thơ, món quà kỉ niệm của nhiều trẻ con trong làng và khách du lịch khi tham quan làng Thạch Xá.

Để làm ra một sản phẩm chuồn chuồn tre phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ.

Để làm ra một sản phẩm chuồn chuồn tre phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ.

Là người đầu tiên mang nghề thủ công làm chuồn chuồn tre về Thạch Xá, ông Đỗ Văn Liên (sinh năm 1965) chia sẻ: "Đây không phải nghề truyền thống của làng, nghề làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá chỉ là nghề thủ công. Vào năm 2000, lúc ấy tôi và gia đình vẫn đang ở gần chùa Tây Phương thì thấy một vị khách đến thăm chùa có mang theo 1 con chuồn chuồn được làm bằng tre. Hình dáng chú chuồn chuồn tre khi ấy nhìn không được bắt mắt như bây giờ, nhưng điều thu hút tôi chính là sự thăng bằng từ mỏ của con chuồn chuồn, nó giữ được thăng bằng như được người ta gắn nam châm.

Rồi sau đó, tôi đã quyết tâm tìm tòi và mò mẫm tự làm cho bằng được con chuồn chuồn tre. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng tôi cũng tìm ra được nguyên lý giữ thăng bằng cho những con chuồn chuồn tre. Ban đầu, tôi cũng chỉ là sản xuất nhỏ lẻ và bán cho những khách hành hương khi họ muốn mua một món quà từ chùa Tây Phương. Nhưng dần dần, ngày càng có nhiều người biết nguồn sản xuất chuồn chuồn tre ở Thạch Xá và tìm về đặt hàng".

Ông Đỗ Văn Liên (sinh năm 1965) đang sơn màu cho chuồn chuồn

Ông Đỗ Văn Liên (sinh năm 1965) đang sơn màu cho chuồn chuồn

Những chú chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đặc biệt ở chỗ, dù không được gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào, nhưng chúng lại có khả năng đứng thăng bằng ở mọi vật liệu. Tuy nhiên, để làm ra được một con chuồn chuồn tre hoàn chỉnh đòi hỏi phải trải rất nhiều công đoạn.

Sau khi sơn xong, những chú chuồn chuồn được đem đi phơi khô rồi mới vẽ các họa tiết

Sau khi sơn xong, những chú chuồn chuồn được đem đi phơi khô rồi mới vẽ các họa tiết

Ông Đỗ Văn Liên cho biết: "Nghề chuồn chuồn tre hết sức tỉ mỉ, đòi hỏi sự cẩn thận, nhẹ nhàng, tinh tế và đặc biệt là phải có sự đam mê, tâm huyết với nghề mới có thể làm được. Bởi để cho ra đời một con chuồn chuồn tre mất khoảng gần 20 công đoạn. Đầu tiên từ khâu chọn tre cũng phải cẩn thận, phải chọn tre bánh tẻ, không quá già hay quá non. Mặc dù địa phương có nhiều tre nhưng những năm gần đây, nguồn hàng khan hiếm nên chúng tôi phải cất công lên tận Hòa Bình nhập nguyên liệu để đảm bảo độ mềm, dẻo, bền.

Sau khi nhập tre về sẽ tiến hành cạo tinh (lớp vỏ ngoài) rồi đem phơi, sấy khô để tránh ẩm mốc. Tiếp đó, thân tre được chia thành nhiều gióng hoặc đoạn nhỏ tùy thuộc vào kích cỡ con chuồn chuồn. Để làm nên những phần thân, cánh, người thợ phải khoan lỗ trên thân để lắp cánh chuồn chuồn và tạo mỏ, đây còn được gọi là điểm tựa cho chuồn chuồn tre. Và một trong những công đoạn khó nhất trong việc tạo hình con chuồn chuồn là chắp cánh chuồn chuồn vào thân. Ở khâu này, phải thật khéo léo làm sao để tạo lực đối xứng cân bằng, giúp chuồn chuồn có thể đứng thăng bằng trên mọi vật liệu. Vậy nên, để thăng bằng được, các bộ phận cấu thành như: thân, cánh, mình... phải được làm một cách tỉ mỉ, theo tỉ lệ riêng".

Các hoa văn, họa tiết được trang trí trên thân và cánh hoàn toàn đều do người thợ làng sáng tạo ra được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê.

Các hoa văn, họa tiết được trang trí trên thân và cánh hoàn toàn đều do người thợ làng sáng tạo ra được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê.

Cũng theo ông Đỗ Văn Liên, một khâu cũng quan trọng không kém đó là tạo hồn cho sản phẩm. Sau khi hoàn thành sản phẩm ở dạng thô, những người thợ mới chính thức tạo "phần hồn" cho chúng. Để tạo được ấn tượng, những con chuồn chuồn được sơn và trang trí lên rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau, công đoạn này, người thợ cần khéo léo để sơn, nếu không sẽ bị loang màu, chất liệu sơn ta sẽ giúp cho sản phẩm vừa bền, vừa đẹp.

Một điểm đặc biệt nữa khiến chuồn chuồn tre làng Thách Xá luôn có sự thu hút, hấp dẫn riêng biệt là do các hoa văn, họa tiết được trang trí trên thân và cánh hoàn toàn đều do người thợ làng sáng tạo ra được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê. Ngoài chuồn chuồn tre, những người thợ còn sáng tạo ra các loài bướm, công, chim, rùa… cũng được làm từ tre.

Đưa chuồn chuồn tre cất cánh bay xa

Nếu trước kia các hộ gia đình làm chuồn chuồn tại xã Thạch Xá phải tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm, thì giờ đây, sau hơn 20 năm phát triển đã có rất nhiều cơ sở đến đặt hàng lên tới hàng trăm nghìn con chuồn chuồn. Đặc biệt, chuồn chuồn tre Thạch Xá bây giờ đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…,

Ngoài chuồn chuồn tre, các nghệ nhân ở đây còn sáng tạo ra các loài bướm, công, chim, rùa… rất bắt mắt

Ngoài chuồn chuồn tre, các nghệ nhân ở đây còn sáng tạo ra các loài bướm, công, chim, rùa… rất bắt mắt

Nhưng, có lẽ không ai biết, để những chú chuồn chuồn tre vẫn có cất cánh bay xa, khoe sắc với du khách như vậy là cả một quá trình vất vả, kiên trì bám lấy nghề từ thuở ban đầu của những người thợ thủ công làng Thạch Xá. Ông Đỗ Văn Liên chia sẻ: "Dù không phải nghề truyền thống nhưng có những thời điểm cả làng Thạch Xá gần như hộ nào cũng làm chuồn chuồn tre để kiếm thêm thu nhập, vì sản phẩm độc đáo, đa sắc màu. Nhưng, do tốc độ của đô thị hóa, cùng với khó khăn sau đại dịch Covid-19 khiến nhiều người ở làng Thạch Xá bỏ nghề thủ công này chuyển sang kinh doanh khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Hiện nay, chỉ còn gia đình tôi và 2-3 hộ gia đình nữa vẫn còn gắn bó với nghề thủ công làm chuồn chuồn tre".

Để lưu giữ nghề thủ công này, trong những năm gần đây, các gia đình ở Thạch Xá đã kết hợp với một số tổ chức xã hội, như Trung tâm Nghiên cứu và Bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Hay hiện nay, như gia đình ông Đỗ Văn Liên còn kết nối với các trường học, công ty du lịch tổ chức các buổi trải nghiệm cho học sinh, khách du lịch làm chuồn chuồn tre và được mọi người rất yêu thích.

Hiện nay, gia đình ông Đỗ Văn Liên còn kết nối với các trường học, công ty du lịch tổ chức các buổi workshop trải nghiệm làm chuồn chuồn tre

Hiện nay, gia đình ông Đỗ Văn Liên còn kết nối với các trường học, công ty du lịch tổ chức các buổi workshop trải nghiệm làm chuồn chuồn tre

Ngành du lịch hiện nay đang ngày càng phát triển mạnh mẽ nên đã tạo điều kiện cho những cánh chuồn chuồn tre có thể thỏa sức khoe sắc với khách thập phương ở các điểm du lịch. Mỗi chú chuồn chuồn tre được cất cánh bay xa không chỉ minh chứng cho quá trình sáng tạo của những người thợ thủ công Việt, mà còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa sâu sắc với hy vọng góp phần tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

"Tôi mong muốn trong thời gian tới, sản phẩm thủ công Việt Nam nói chung, chuồn chuồn tre Thạch Xá nói riêng sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn đến với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế" – ông Đỗ Văn Liên bày tỏ./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chuon-chuon-tre-thach-xa-mon-qua-tuoi-tho-binh-di-20240719113736231.htm